Máy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của quân đội Trung Quốc. Ảnh: sinodefence |
Focus Taiwan dẫn tin từ truyền thông Trung Quốc hôm qua cho hay cuộc diễn tập bắt đầu vào lúc 8h sáng 2/4, với ba chiếc phi cơ cảnh báo sớm KJ-2000, mỗi chiếc luyện tập trong 8 giờ.
Cuộc diễn tập hoàn tất trong vòng 24 giờ, sau khi cả ba máy bay phải hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, sương mù, gió mạnh và mưa lớn, CNA đưa tin.
Theo nhật báo của quân đội Trung Quốc, các khu vực diễn tập bao gồm khu vực nằm trên vùng hạ lưu sông Hoàng Hà phía tây bắc Trung Quốc, biển Hoa Đông và Biển Đông. Báo này cho hay cuộc diễn tập có nhiều đột phá, trong đó có đột phá về tầm bay và thời gian bay của các phi cơ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù các máy bay cảnh báo sớm đã cải thiện khả năng chỉ huy trên không của Trung Quốc và khả năng đối phó với sự thâm nhập của Nhật Bản, số lượng máy bay vẫn là một vấn đề lớn.
Wong Dong, một chuyên gia quân sự ở Macau, cho hay Trung Quốc có thể có các máy bay cảnh báo sớm hiện đại hơn Mỹ và Nhật Bản, nhưng lại tụt hậu về phần mềm và khả năng triển khai chiến thuật.
"Xét về số lượng, Trung Quốc thậm chí bất lợi hơn vì Nhật Bản có 18 chiếc máy bay cảnh báo sớm, trong khi Trung Quốc chỉ có 8 chiếc", ông nói.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo xấu đi kể từ hồi tháng 9, khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số đảo thuộc quần đảo tranh chấp giữa hai nước Senkaku/Điếu Ngư.
Quần đảo không người sinh sống được cho là giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược nằm ở biển Hoa Đông, hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Đây là nơi đã chứng kiến những cuộc đối đầu của tàu thuyền và máy bay hai nước trong suốt nhiều tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Anh Ngọc