Kể từ những năm 1970, phá thai đã trở thành một di sản tiêu cực của chính sách một con của Trung Quốc. Theo số liệu của cơ quan thống kê, tỷ lệ phá thai của nước này là 42,7% năm 2020, trong khi Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Israel dao động trong khoảng 8,8% đến 15,3% năm 2019.
Zhang Jun, một người làm nghề truyền thông ở Bắc Kinh, đã hai lần làm thủ thuật bỏ con trong sáu năm qua. Cả ba chị gái của cô cũng từng như vậy. Cô cho biết, phá thai vẫn là điều cấm kỵ của xã hội nhưng đã cởi mở hơn ở phụ nữ trẻ. "Thỉnh thoảng, trong số các bạn tôi có người nói đang làm 'một thủ tục nhỏ'. Mọi người đều hiểu cô ấy đang nạo phá", Zhang chia sẻ.
Tỷ lệ phá thai cao làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng dân số của đất nước tỷ dân. Trong kế hoạch hành động năm 2022 của Hiệp hội kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (CFPA) can thiệp để giảm tỷ lệ phá thai ở những người chưa kết hôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Kế hoạch này gây ra phản ứng dữ dội bởi nhiều người lo ngại chính quyền có thể cấm phụ nữ chưa lập gia đình phá thai. CFPA đã phải thanh minh với truyền thông rằng "can thiệp" có nghĩa là tăng cường các dịch vụ tư vấn giáo dục và các cuộc khảo sát nhắm vào thanh thiếu niên.
Zhang Jun tin rằng các chính sách của AFPA chẳng đi đến đâu. Là người chọn sống độc thân và không con cái, cô cảm thấy một khi phụ nữ quyết định phá thai, không sự tư vấn nào có thể thay đổi suy nghĩ của họ, bởi hành động này phản ánh niềm tin sâu xa đã hình thành theo thời gian.
Với Zhang, niềm tin ấy hình thành sau cái chết vì trầm cảm của cháu gái 14 tuổi, năm 2019. Anh rể của Zhang và cha mẹ anh ta thích con trai hơn con gái, vì thế cháu gái bị hắt hủi. "Nếu bạn không chuẩn bị, sự ra đời của một đứa trẻ sẽ trở thành nỗi đau cho tất cả. Cái chết của cháu gái khiến tôi nhận ra mình không thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của người khác", cô chia sẻ.
Tỷ lệ nạo phá cao của Trung Quốc cũng góp phần vào tỷ lệ vô sinh cao, từ dưới 3% vào đầu những năm 1980 lên 18% năm 2020, gấp nhiều lần ở Mỹ và các nước phát triển khác. Trung Quốc có cả một ngành công nghiệp phá thai khổng lồ. Chỉ cần nhìn vào tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh có thể thấy điều này. Những năm trước, tỷ lệ bé trai luôn trên 120 so với 100 bé gái.
Giáo sư Yi cũng cho biết kết quả của nửa thế kỷ truyền thông về kế hoạch hóa gia đình dường như bằng không. "Nhiều người coi phá thai là trò chơi của trẻ em và coi nó như cảm lạnh thông thường", Yi nói.
Với Zhang, phá thai là hành động tôn trọng mạng sống con người vì cô tin rằng không nên có con nếu không thể cho chúng một môi trường gia đình tốt.
Các chính sách hỗ trợ sinh đẻ của Trung Quốc tiếp tục mâu thuẫn với các vấn đề về quyền của phụ nữ. Năm ngoái một số địa phương kéo dài thời gian nghỉ thai sản đã làm dấy lên lo ngại phụ nữ có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Không có nhiều chủ doanh nghiệp hào hứng với một nhân sự nghỉ việc quá lâu, dù là nghỉ theo chế độ. Gần đây sự can thiệp của chính phủ vào phá thai cũng dấy lên cuộc tranh luận về quyền tự chủ sinh sản.
Chen Xintong, 27 tuổi, một phó giám đốc điều hành đang công khai chống lại việc chính phủ can thiệp vào quyết định phá thai của phụ nữ chưa kết hôn. Cô tin một người phụ nữ nên có toàn quyền quyết định với cơ thể mình, bởi vì "tử cung nằm trong cơ thể của phụ nữ".
Phó giáo sư Shen Hsiu-hua, Viện xã hội học của Đại học quốc gia Tsing Hua, chỉ ra rằng cách đây không lâu, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp vào các vấn đề sinh sản của phụ nữ thông qua chính sách một con và mọi người đều đã nhìn thấy tác hại của nó. Giờ đây, các chính sách khuyến khích sinh con đang được triển khai và mọi người bắt đầu sợ hãi lần nữa. Shen tin các biện pháp này khó có tương lai, bởi người dân Trung Quốc ngày càng ý thức việc sinh đẻ của họ.
Trong khi đó, Yi nói rằng các chính sách kiểm soát dân số trong quá khứ của Trung Quốc đã tạo ra nhiều vấn đề nhân khẩu học nghiêm trọng và cần phải có một loạt cải cách trước khi có thể tăng tỷ lệ sinh. "Chỉ dựa vào việc hạn chế phá thai có thể phản tác dụng hoặc gây ra cuộc khủng hoảng xã hội khác, chẳng hạn như phá thai bất hợp pháp", chuyên gia này cảnh báo.
Bảo Nhiên (Theo Thinkchina)