Sinh viên các trường đại học ở Bắc Kinh và Thái Châu cũng đang trong tình trạng tương tự. Chính quyền Trung Quốc đang thắt chặt hạn chế về ảnh thẻ "biến dạng".
Hồi tháng 5, cảnh sát Hàng Châu đã cảnh báo người dân họ sẽ từ chối hồ sơ xin cấp giấy tờ nếu ảnh dán trên hồ sơ, giấy tờ của họ photoshop quá mức.
Hashtag "ảnh thẻ" đã thu hút hơn 190 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo làm dấy lên làn sóng cho rằng thời kỳ của những bức ảnh thẻ xấu xí đang quay trở lại.
Vài năm nay, giới trẻ Trung Quốc có xu hướng chọn chụp ảnh thẻ ở các studio và giúp ngành dịch vụ này tăng vọt doanh thu. Họ sẵn sàng chi khoản tiền lớn để có được ảnh chân dung hoàn hảo. Lịch chụp ở các studio cao cấp phải đặt trước, họ có stylist, nhiếp ảnh gia và biên tập viên chuyên nghiệp để đảm bảo khách hàng trông đẹp nhất.
Trong khi thập kỷ trước, người Trung Quốc thường chụp ảnh chân dung ở các cửa hàng in địa phương với phông nền đơn giản. Tuy nhiên, giới trẻ là những người xem trọng hình ảnh cá nhân thường phàn nàn rằng mình trông khá tệ với bức ảnh kiểu truyền thống.
Nhu cầu của họ đã tạo nên sự trỗi dậy của các chuỗi studio lớn như Himo, Naive Blue và Elefoto. Dịch vụ ảnh thẻ phát triển nhanh chóng từ đầu năm 2010. Họ phục vụ khách hàng bằng hệ thống ánh sáng chuyên nghiệp, trang điểm và chỉnh sửa photoshop.
Các chuyên gia nhận định Gen Z và thế hệ Millennials là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế "ngoại hình".
Giới trẻ tin ảnh thẻ quan trọng bởi nó nằm trong hồ sơ xin việc và thẻ căn cước. Trong bối cảnh cạnh tranh việc làm ngày càng cao, việc đầu tư vào ảnh chân dung chuyên nghiệp là xứng đáng. Ảnh thẻ giúp họ nổi bật giữa nhiều hồ sơ xin việc.
Hệ thống ảnh thẻ Himo hiện có 670 cửa hàng ở 87 thành phố của Trung Quốc. Công ty tính phí 23 USD cho một ảnh ID đã chỉnh sửa và 64 USD cho ảnh chân dung hai người.
Khi chính quyền ra quy định nghiêm ngặt về ảnh thẻ, Himo đã thông báo khách bị từ chối đơn đăng ký do vấn đề với ảnh, họ sẽ được hoàn lại tiền.
Trên mạng xã hội, người dùng đa số đều ủng hộ quy định hạn chế này. Họ cho rằng ảnh thẻ không qua chỉnh sửa là hợp lý để tránh các vấn đề xác minh tiềm ẩn.
Lin Dongning, 22 tuổi, đã có trải nghiệm trên. Khi chuẩn bị hồ sơ thi tuyển sinh sau đại học năm 2023, cô quyết định đặt lịch ở Himo.
"Tôi mình nhìn trang trọng, đẹp và trẻ trung", cô kể. Lin đưa yêu cầu bức ảnh tinh tế nhưng phải chân thực.
Tuy nhiên, cô đã không nhận ra bản thân mình trong ảnh bởi các đặc điểm khuôn mặt đã biến mất. Ảnh của Lin bị đánh dấu "cần xác minh" trong đơn dự tuyển. Cô phải mất một tuần làm việc với trường.
"Nếu tôi không xác minh được tôi sẽ bị đánh trượt", Lin nói.
Ngọc Ngân (Theo Sixth Tone)