Phát ngôn viên cảnh sát Nepal cho biết 4 người thuộc nhóm công dân Trung Quốc bị buộc tội cư xử thiếu văn minh. Do số chuyến bay đến Trung Quốc sụt giảm mạnh, nhiều công dân nước này bị mắc kẹt khắp thế giới. Họ không có cách nào để về nhà, hoặc phải tranh giành số vé máy bay ít ỏi với chính các đồng hương.
Sự bất lực thúc đẩy nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài tới tấp gọi điện đến đường dây nóng của đại sứ quán, đăng những thông điệp phẫn nộ lên mạng xã hội và tổ chức các cuộc biểu tình ở nước sở tại, với hy vọng Bắc Kinh sẽ can thiệp để giải quyết tình huống.
Vài năm gần đây, khả năng bảo vệ công dân ở nước ngoài của Trung Quốc trở thành đề tài cho những sản phẩm giải trí, như hai bộ phim bom tấn "Chiến lang 2" và "Điệp vụ Biển Đỏ", với kịch bản liên quan đến việc quân đội Trung Quốc giải cứu công dân khỏi tình huống nguy hiểm ở nước ngoài.
"Đời không giống như phim", Jack Li, sinh viên Trung Quốc đang học tại Los Angeles, Mỹ, cho hay. Anh đã trả 10.000 USD cho một người phe vé để nhờ mua hộ vé máy bay về nước sau nhiều tuần không thể tự mua. "Tôi không nói nên lời và nhiều người khác cũng vậy", Li bày tỏ.
Làm thế nào để hồi hương công dân mắc kẹt ở nước ngoài, giữa lúc thế giới tê liệt vì Covid-19, là câu hỏi hóc búa với bất cứ chính phủ nào. Tuy nhiên, thách thức này đặc biệt nặng nề với Trung Quốc, do công dân của họ sang các quốc gia khác ngày càng nhiều.
Kể từ năm 2011, sau khi hứng chỉ trích nặng nề vì quá chậm chạp trong việc bảo vệ các công ty và người lao động Trung Quốc mắc kẹt trong nội chiến Libya, Bắc Kinh đã cố gắng xây dựng hình ảnh tốt trong nhiệm vụ bảo hộ công dân ở nước ngoài.
Khi bão Maria tàn phá quốc đảo Dominica thuộc vùng Caribe hồi năm 2017, hãng thông tấn nhà nước Xinhua đã hết lời ca ngợi cuộc sơ tán hơn 150 công dân Trung Quốc khỏi khu vực thảm họa. "Trước một thảm họa, tổ quốc sẽ không bỏ bất cứ đồng bào nào phía sau!", tờ báo viết. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Hồi cuối tháng 3, trong bối cảnh nCoV bắt đầu lây lan toàn cầu, Bắc Kinh áp lệnh hạn chế di chuyển, cắt giảm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc xuống chỉ còn hơn 100 chuyến/tuần. Tại cuộc họp báo vào ngày công bố quyết định, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi công dân ở nước ngoài lưu lại quốc gia sở tại, nhằm tránh lây nhiễm chéo hoặc mắc kẹt ở nước thứ ba do các quy định hạn chế đi lại.
Động thái này được cho là giúp giảm nguy cơ "nhập khẩu virus", tránh gây bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, nhưng lại làm tăng rủi ro về chính trị bởi sự tức giận của công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Gần như ngay sau khi quyết định này được công bố, nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài đã phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.
"Trong lúc trẻ em đang chen chúc để được lên tàu, làm thế nào tổ quốc có thể rút ván đi chứ?", một tài khoản viết trên WeChat và được chia sẻ rộng rãi, trước khi bài đăng bị xóa.
"Nói một cách khách quan, những công dân ở nước ngoài đang cố gắng trở về nhà đối mặt với rất nhiều khó khăn", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng các cơ quan đại diện ngoại giao nước này đã cung cấp khẩu trang cho công dân ở nước ngoài, cũng như những thông tin thay đổi về chuyến bay, đồng thời hỗ trợ họ gia hạn visa.
Tuyên bố còn viết rằng khác với một số quốc gia cắt hết mọi tuyến đường, chính phủ và các hãng hàng không Trung Quốc vẫn nỗ lực vượt khó "nhằm xây dựng thêm những hành lang trên không, giúp công dân Trung Quốc hồi hương".
Chưa có thống kê về số công dân Trung Quốc đang mắc kẹt bên ngoài lãnh thổ, nhưng dữ liệu trước đó cho thấy con số này khá lớn. Tại cuộc họp báo tháng trước, một quan chức Bộ Giáo dục cho biết hơn 85% trong số 1,6 triệu du học sinh Trung Quốc vẫn ở nước ngoài tính đến ngày 2/4. Thêm vào đó là 744.000 người lao động theo hợp đồng ở nước ngoài tính đến cuối tháng 3, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.
Trong cơn tuyệt vọng, những công dân mắc kẹt đã gây áp lực lên các đại sứ quán và lãnh sự quán. Đại sứ Trung Quốc tại Nga từng bị chỉ trích kịch liệt sau khi nói những người Trung Quốc tìm đường hồi hương "không có đạo đức tối thiểu", trong bối cảnh công dân trở về từ Nga được xác định là nguyên nhân khiến số ca nhiễm nCoV tại tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc Trung Quốc gia tăng trở lại.
Giới chức tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cũng nhận được hàng loạt câu hỏi và bị chỉ trích xử lý yếu kém khi tiến hành cuộc gọi video trực tuyến với khoảng 500 công dân Trung Quốc mắc kẹt cuối tháng trước. Tuy nhiên, giới chức kêu gọi họ đóng góp cho đất nước bằng cách ở lại.
"Nếu không nghe được câu nói đó, có lẽ tôi vẫn nuôi hy vọng", một người tham gia cuộc gọi cho hay. Vài tuần sau, lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai cuối cùng cũng sắp xếp một chuyến bay đến Thượng Hải cho hơn 200 công dân vào ngày 2/5.
Các quan chức Trung Quốc ở Nepal cũng từng sắp xếp hai chuyến bay để đưa tổng cộng 346 công dân về nước hôm 7/5. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị bỏ lại phía sau. Cuộc biểu tình dẫn đến vụ bắt 47 người ở Kathmandu tuần trước do những công dân Trung Quốc không thể hồi hương hôm 7/5 tiến hành.
Trong bài đăng trên WeChat hồi cuối tháng 4, đại sứ quán Trung Quốc ở Abu Dhabi, UAE, cho biết những chuyến bay hồi hương ưu tiên dành cho trẻ em, người già, người khuyết tật và người có hoàn cảnh khó khăn.
Một người từng tham gia cuộc gọi video trực tuyến của lãnh sự quán Trung Quốc ở Dubai cho biết cô đã mắc kẹt hai tháng sau khi đến UAE bằng visa du lịch, nói thêm rằng cô đã 6 lần bị hủy vé máy bay về nhà. Do không thể đi làm, cô chỉ ăn hai bữa mỗi ngày để tiết kiệm tiền.
"Tôi không thể trụ lâu hơn nữa. Tôi cảm thấy mình không còn là một công dân Trung Quốc đang tồn tại", người phụ nữ giấu tên cho hay.
Ánh Ngọc (Theo WSJ)