Kế hoạch tăng trưởng kinh tế được Trung Quốc nêu trong báo cáo đưa ra sáng 5/3, khớp với dự báo của các nhà phân tích trước đó. Để đạt mục tiêu này, nền kinh tế thứ hai thế giới tính đưa thâm hụt ngân sách về 3% GDP, giảm so với 3,8% năm ngoái. Họ cũng muốn phát hành thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt, không được tính vào ngân sách.
Nước này cũng đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ chốt khác cho năm nay, như mục tiêu lạm phát là 3%. Trung Quốc dự kiến tạo thêm 12 triệu việc làm tại thành thị và duy trì tỷ lệ thất nghiệp quanh 5,5%.
Năm ngoái, GDP nước này tăng 5,2%, đạt mục tiêu tăng trưởng. Dù vậy, nền kinh tế này vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng và đầu tư công, làm dấy lên lo ngại về khả năng tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Giới chuyên gia đánh giá mục tiêu năm nay khó đạt hơn 2023, do mức nền đã cao hơn so với năm 2022 - khi Trung Quốc còn phong tỏa chống dịch. Bên cạnh đó, khủng hoảng bất động sản, giảm phát, thị trường chứng khoán đi xuống và khối nợ chính quyền địa phương phình to là các thách thức lớn với nhà chức trách Trung Quốc hiện tại.
Giới phân tích dự báo nền kinh tế thứ hai thế giới sẽ hạ tham vọng tăng trưởng trong tương lai, khi họ cần mạnh tay hơn trong giải quyết các vấn đề cấu trúc tồn tại từ lâu. Nhiều chuyên gia lo ngại niềm tin tiêu dùng và đầu tư tại đây đang ở mức thấp kỷ lục. Họ cho rằng Trung Quốc cần kích thích cầu tiêu dùng của các hộ gia đình hơn nữa.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,6% năm nay và giảm dần trong trung hạn, về 3,5% vào 2028.
Hà Thu (theo Reuters)