Khoản tiền này nằm trong chương trình hỗ trợ sinh sản mới của chính quyền địa phương, theo SCMP.
Tại Thiên Môn, nơi mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các thành phố lớn như Thượng Hải, trợ cấp này là một khoản hỗ trợ đáng kể. Một người dùng mạng xã hội Douyin đã bình luận dưới bài đăng chia sẻ kinh nghiệm của Tang: "Con bạn sinh ra đã có của ăn của để".
Ba năm liên tiếp, dân số Trung Quốc giảm mạnh. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, nếu xu hướng này tiếp diễn, dân số nước này có thể giảm từ hơn 1,4 tỷ xuống dưới 800 triệu người vào cuối thế kỷ 21. Một viễn cảnh như vậy đe dọa sâu sắc nền kinh tế. Lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, trong khi chi phí y tế, lương hưu và phúc lợi xã hội leo thang do số lượng người già tăng nhanh.
Chính quyền Trung Quốc đã nhanh chóng coi việc tăng tỷ lệ sinh là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Và giải pháp kinh tế, với các khoản trợ cấp sinh sản, đã nổi lên như một "liều thuốc chính yếu".
Thiên Môn là một trong nhiều địa phương tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ sinh sản. Trong vài năm qua, các địa phương này đã đưa ra khoản thưởng hấp dẫn nhằm khuyến khích cha mẹ sinh thêm con. Đầu tháng 3/2025, Thủ tướng Lý Cường đề xuất thiết lập chính sách trợ cấp quốc gia về chăm sóc trẻ em. Ủy ban Y tế Quốc gia hiện đang soạn thảo kế hoạch chi tiết, đồng thời nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ khác.
Tuy nhiên, ngay cả trước khi các chính sách toàn quốc được công bố, cuộc tranh luận về hiệu quả của các biện pháp này đã dấy lên. Liệu vài nghìn USD có đủ sức kéo tỷ lệ sinh tăng trở lại? Nếu có, mức hỗ trợ cần nâng đến bao nhiêu?
Các nhà nghiên cứu cho rằng hỗ trợ tài chính có thể tác động tích cực, dù mức độ còn hạn chế. Tại Thiên Môn, nơi Tang Tang cư trú, số ca sinh của năm 2024 tăng 17% – lần đầu tiên thành phố đảo ngược tình trạng giảm sinh kể từ khi thực thi trợ cấp dành cho con thứ hai và thứ ba. Theo nghiên cứu của nhà nhân khẩu học Hoàng Văn Chính, khoản trợ cấp sinh sản tương đương 0,87% GDP của Thiên Môn đã góp phần tăng 0,1 điểm phần trăm tỷ lệ sinh.
Thế nhưng, nếu áp dụng chính sách trợ cấp trên quy mô quốc gia, tổng chi phí sẽ lên tới 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,7 tỷ USD). Theo tính toán của Hoàng, Trung Quốc cần dành một khoản đầu tư lớn hơn nhiều – từ 30 đến 50 lần con số hiện tại – để kéo tỷ lệ sinh từ mức thấp 1,0 lên mức thay thế 2,1. Điều này khiến giới hoạch định chính sách phải đau đầu về bài toán ngân sách.

Nhân viên y tế đang bế các bé mới sinh tại Bệnh viện Nhân dân huyện Ngọc Bình, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, tháng 1/2024. Ảnh: China Daily
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: chi phí sinh sống tăng cao, giá trị xã hội thay đổi, sự khan hiếm dịch vụ chăm sóc trẻ em giá rẻ, và bóng đen của chính sách một con kéo dài suốt nhiều thập niên. Dù chính sách một con đã được dỡ bỏ vào năm 2016, tỷ lệ sinh vẫn không phục hồi. Điển hình tại Thượng Hải, một trong những thành phố giàu nhất Trung Quốc, tỷ lệ sinh chạm đáy 0,6 vào năm 2023.
"Nếu dân số giảm nhanh chóng, doanh nghiệp sẽ chùn bước trong đầu tư. Khi đầu tư giảm, nguồn việc làm cũng thu hẹp, tạo áp lực nặng nề lên thị trường lao động", ông Hoàng phân tích.
Ông Hoàng ví tình hình này giống như một đoàn tàu điện ngầm đến một ga đông đúc. "Nếu một nửa số hành khách đột ngột rời đi, những người còn lại có thể cảm thấy thoải mái hơn, hy vọng rằng mọi nhà ga đều vắng vẻ như vậy. Nhưng họ quên rằng không có đủ người, bản thân hệ thống tàu điện ngầm sẽ không duy trì được".
Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng, Hohhot, thủ phủ của Nội Mông ở miền bắc Trung Quốc, đã công bố mức khuyến khích sinh sản cao kỷ lục trong tháng này - 10.000 nhân dân tệ cho con thứ nhất, 50.000 nhân dân tệ cho con thứ hai và 100.000 nhân dân tệ cho con thứ ba.
Với mức thu nhập khả dụng bình quân đầu người chưa đến 50.000 nhân dân tệ vào năm 2024, đây được đánh giá là mức trợ cấp "hào phóng" nhất ở Trung Quốc. Tần Na, một bà mẹ hai con ở Hohhot, tin rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng đến quyết định của nhiều gia đình địa phương.
"Thu nhập ở đây không cao, và nhà ở có giá cả phải chăng", cô nói. "Một gia đình có thể sống thoải mái với mức lương 6.000 nhân dân tệ hằng tháng ngay cả khi một trong hai bố mẹ ở nhà chăm con". Tuy nhiên, Tần vẫn do dự về việc có con thứ ba. "Có lẽ vì chính sách một con đã ăn sâu bén rễ. Tôi không thể tưởng tượng được việc nuôi dạy ba đứa con", cô nói.
Các nghiên cứu cho thấy, mặc dù các biện pháp khuyến khích tài chính có thể không trực tiếp khiến các gia đình chọn sinh thêm con, nhưng chúng giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, giúp việc sinh con trở thành một lựa chọn khả thi cho những người do dự.
Một cuộc khảo sát trực tuyến gần đây đối với hơn 144.000 phụ huynh đã có con nhỏ do một nhóm nghiên cứu ở miền đông Trung Quốc thực hiện cho thấy chỉ khoảng 15% có kế hoạch sinh thêm con. Nhưng sau khi các nhà nghiên cứu thông báo cho những người được hỏi về khoản trợ cấp 1.000 nhân dân tệ theo kế hoạch của chính phủ, tỷ lệ phụ huynh có kế hoạch sinh thêm con đã tăng 8,5 điểm phần trăm, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học sinh sản Human Reproduction Open vào tháng 9/2024.
Ngoài tiền trợ cấp, Bắc Kinh tập trung xây dựng môi trường "thân thiện với gia đình" bằng cách mở thêm trường mầm non công lập, giảm giá dịch vụ chăm sóc trẻ em...
Tuần trước, tỉnh Chiết Giang thông báo sẽ phát phiếu quà tặng kết hôn và giảm giá chăm sóc trẻ em cùng trợ cấp sinh sản. Cùng lúc, chính phủ trung ương cam kết trấn áp tình trạng làm thêm giờ quá mức để thúc đẩy tiêu dùng. Một số công ty công nghệ lớn, như DJI, cũng tuyên bố giảm giờ làm.
Nhưng với Tang, mẹ ở Thiên Môn, trợ cấp tiền mặt mới là điều quan trọng nhất. "Tôi có thể nuôi con tiết kiệm, nên khoản này thực sự có ý nghĩa", cô nói.
Thục Linh (Theo Reuters, China Daily)