Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc công bố trong tháng này rằng Trung Quốc đã cài đặt các thiết bị cảm biến âm thanh tiên tiến dưới đáy biển ở Thái Bình Dương kể từ năm 2016. Viện này cho biết chúng được sử dụng cho mục đích khoa học như nghiên cứu động đất, bão và cá voi, theo SCMP.
Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh nhận định rằng các cảm biến này cũng có thể theo dõi sự di chuyển của tàu ngầm ở Biển Đông và đánh chặn tín hiệu dưới nước giữa các tàu ngầm và căn cứ chỉ huy.
Một trong những cảm biến âm thanh nằm ở Challenger Deep của rãnh Mariana - nơi sâu nhất trên trái đất ở độ sâu 10.916 m dưới mực nước biển, một cái khác ở gần Yap, hòn đảo của Liên bang Micronesia. Challenger Deep và Yap cách đảo Guam lần lượt 300 và 500 km về phía tây nam. Guam là nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Theo một chuyên gia quân sự Trung Quốc, những cảm biến âm thanh tiên tiến này có thể phát hiện ra thông tin liên lạc của các tàu ngầm. Mặc dù khó có thể đọc được nội dung liên lạc cụ thể do chúng được mã hóa, các tín hiệu thu được vẫn có thể cung cấp thông tin hữu ích khác về tàu ngầm.
James Lewis, phó chủ tịch cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết việc cài đặt các thiết bị như vậy là bình thường đối với các cường quốc có lực lượng hải quân hùng mạnh. "Trung Quốc đã trở thành một cường quốc hải quân và họ đang hành động để cụ thể hóa điều đó", ông bình luận.
"Cường quốc nào cũng đặt cảm biến ở đáy đại dương để phục vụ tác chiến chống ngầm", ông nói thêm.
Phương Vũ