Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV thông báo một thợ mỏ đã được cứu khỏi mỏ vàng ở tỉnh Sơn Đông và đưa vào bệnh viện điều trị sáng nay sau 14 ngày mắc kẹt dưới lòng đất.
Hình ảnh trên truyền hình Trung Quốc người thợ mỏ trong trạng thái kiệt sức, được bọc vải đen che mắt và đắp chăn trong quá trình đưa khỏi hầm mỏ. Người này nhanh chóng được lực lượng cứu hộ đưa đến xe cấp cứu gần đó trong tình trạng "đặc biệt yếu", theo bài viết trên tài khoản Weibo của CCTV.
6 người khác lần lượt được giải cứu sau đó, giới chức tin rằng còn ít nhất 4 người sống sót trong mỏ.
Vụ nổ mỏ vàng xảy ra lúc 14h ngày 10/1 tại quận Tây Thành, thành phố Tê Hà, tỉnh Sơn Đông, đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Yên Đài, phụ trách quản lý Tê Hà, không nhận được báo cáo tai nạn cho đến tối 11/1. Chiến dịch giải cứu 22 người mắc kẹt ở độ sâu 600 m đã diễn ra suốt hai tuần.
Nỗ lực cứu nạn được đẩy mạnh sau khi các công nhân khoan được tới nơi nhóm thợ mỏ bị mắc kẹt. Tuy nhiên, các lỗ khoan chủ yếu dùng để chuyển thức ăn, thuốc men và chỉ rộng khoảng 30 cm nên không thể đưa được những thợ mỏ mắc kẹt ra ngoài. Các công nhân đang tiếp tục khoan rộng các trục cứu hộ, song đến ngày 19/1, trục chính vẫn là con đường tiếp tế, liên lạc duy nhất. Giới chức cho biết họ cũng chưa thể xác minh độ an toàn của lỗ khoan này.
Tờ Xinhua tuần trước cho biết một thợ mỏ đã thiệt mạng và 11 người chưa thể liên lạc với nhóm cứu hộ. Người được giải cứu đầu tiên thuộc nhóm 10 công nhân ở một khu vực khác và đã được tiếp tế thực phẩm. Quan chức địa phương cho biết sẽ mất thêm hai tuần để dọn dẹp chướng ngại vật trước khi có thể bắt đầu khoan hầm đến vị trí mắc kẹt của 10 người này.
Tai nạn khai mỏ khá phổ biến ở Trung Quốc, nơi ngành công nghiệp này có hồ sơ an toàn kém và các quy định thường được thực thi lỏng lẻo. 23 thợ mỏ thiệt mạng sau khi bị mắc kẹt trong một khu mỏ ở phía tây nam Trùng Khánh hồi tháng 12/2020. Vài tháng trước đó, 16 người chết vì ngộ độc khí carbon monoxide dưới một mỏ than ở Trùng Khánh.
Vũ Anh (Theo Reuters)