Theo Nhật báo khoa học Trung Quốc, vệ tinh cảnh báo mang tên Gao Fen 4 của nước này sẽ phát hiện tên lửa đạn đạo sau 180 giây kể từ khi tên lửa rời bệ phóng.
Vệ tinh này được gắn máy ảnh hồng ngoại, kính quang học, hệ thống điều khiển từ xa, có độ phân giải ảnh màu chưa đến 50 m (đủ để theo dõi tàu sân bay trên biển), và độ phân giải ảnh nhiệt 400 m, có thể phát hiện các đám cháy rừng. Vệ tinh này được coi là công cụ cơ bản nhất của Trung Quốc trong việc phát hiện tên lửa đạn đạo.
Theo tính toán của giới quân sự Trung Quốc, các quốc gia có thể sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công nước này là Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ.
Trước khả năng Mỹ có thể bắn tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm tại Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Trung Quốc cho rằng họ cần ít nhất ba vệ tinh cảnh báo để giám sát toàn cầu.
So sánh với hệ thống vệ tinh cảnh báo DSP của Mỹ phát triển từ năm 1972, giới khoa học Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh chiếm ưu thế khi vệ tinh nước này có khả năng phân biệt tên lửa đạn đạo chiến lược và chiến thuật.
Theo đó, các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến lược thường cách nhau ít nhất 5 km để tránh sự cố nên vệ tinh sẽ không khó nhận ra. Nhưng khoảng cách giữa các bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật nhỏ hơn nhiều, dẫn đến DSP không thể phân biệt nhiều tên lửa được bắn một lúc hay chỉ một tên lửa được bắn.
Giới khoa học Trung Quốc cũng cho rằng Hệ thống Giám sát Hồng ngoại Không gian (SBIRS) của Mỹ được phát triển từ thập niên 1990 để cảnh báo, phòng thủ tên lửa và tác chiến vũ trụ là quá đắt đỏ và cho tới nay chỉ còn hai vệ tinh hoạt động.
Văn Việt