Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc khóa 13 đang họp thảo luận về một dự thảo luật dân sự liên quan tới việc chấm dứt chính sách kiểm soát sinh nở gây tranh cãi hàng thập kỷ và dẫn tới các vấn đề như cưỡng ép phá thai và triệt sản ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, theo SCMP.
Tờ báo của Tòa án Tối cao Trung Quốc hôm qua trích dẫn dự thảo luật này, cho hay trong dự thảo không nhắc tới "kế hoạch hóa gia đình" - chính sách hiện hành cho phép các cặp vợ chồng sinh tối đa hai con. Tuy nhiên, chưa rõ chính sách mới có giới hạn số lượng trẻ em được sinh ra trong mỗi gia đình hay không.
Dự thảo luật sẽ được xây dựng và dự kiến thông qua năm 2020. Trung Quốc bắt đầu thực thi chính sách một con năm 1979 nhằm hạn chế dân số tăng trưởng. Giới hạn này được nâng lên hai con năm 2016 trong nỗ lực làm trẻ hóa dân số của quốc gia đang bước vào thời kỳ già hóa với số dân 1,4 tỷ người.
Các nhà hoạch định chính sách lo ngại lực lượng lao động đang già hóa sẽ làm chậm tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc, trong khi mất cân bằng giới dẫn tới nhiều vấn đề xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh không tăng nhiều như dự kiến từ khi chính sách hai con có hiệu lực. Chính quyền có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách sinh con.
"Rõ ràng là tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đang thấp tới mức báo động, chính quyền đã thất bại trong việc tăng sinh khi xóa bỏ chính sách một con", Leta Hong Fincher, tác giả cuốn "Đánh thức nữ quyền ở Trung Quốc" nhận xét.
Theo thống kê, chỉ có 17,9 triệu trẻ sinh ra năm 2016 - nhiều hơn 1,3 triệu so với năm trước và bằng một nửa kỳ vọng. Tỷ lệ sinh năm 2017 thậm chí còn giảm xuống 17,2 triệu, thấp hơn nhiều so với con số 20 triệu dự báo.