Nghiên cứu của nhà kinh tế học Zheng Michael Song tại Đại học Trung văn Hong Kong (CUHK) cho thấy các chính sách phong tỏa của Trung Quốc có thể khiến nước này thiệt hại ít nhất 46 tỷ USD một tháng, tương đương 3,1% GDP. Đây chỉ là ước tính tối thiểu dựa trên việc các thành phố tạo ra khoảng 20% GDP cho Trung Quốc đang bị phong tỏa. Tác động sẽ tăng gấp đôi nếu thêm nhiều thành phố áp lệnh này.
Các chính sách mạnh tay của Trung Quốc cũng đồng nghĩa "chi phí kinh tế của lệnh phong tỏa rõ ràng sẽ lớn hơn nhiều so với các nước khác", ông nói. Ước tính 3,1% chỉ là con số "thận trọng", do chưa bao gồm các tác động lên thu nhập thông qua lạm phát.
Song và nhóm nghiên cứu đã dùng dữ liệu về lộ trình của gần 2 triệu xe tải di chuyển trên khắp Trung Quốc. Lộ trình này có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động kinh tế địa phương.
Nếu tính cả tác động lên lạm phát toàn quốc và ảnh hưởng lan truyền từ chuỗi cung ứng, tác động lên nền kinh tế sẽ còn tệ hơn nhiều. Chỉ riêng việc Thượng Hải phong tỏa mạnh tay có thể khiến GDP thực của Trung Quốc giảm 4%, Song và các nhà nghiên cứu ước tính.
Nếu cả 4 thành phố lớn nhất Trung Quốc cùng thực hiện phong tỏa, GDP điều chỉnh theo lạm phát của Trung Quốc có thể giảm 12% trong thời kỳ này. Trường hợp tệ nhất là phong tỏa tất cả thành phố trong một tháng, khiến GDP cả nước giảm 53%.
Từ đầu tháng này, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch chống lại làn sóng lây nhiễm mới của biến chủng Omicron, với số ca nhiễm hàng ngày lên trên 6.000. Goldman Sachs ước tính các khu vực có nguy cơ bùng phát từ trung bình đến cao đang bị phong tỏa đóng góp khoảng 33% GDP.
Chìa khóa với triển vọng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc liệu biến chủng này có đòi hỏi các lệnh hạn chế nghiêm ngặt hơn hay không. Thượng Hải ban đầu chỉ phong tỏa hạn chế, nhưng số ca nhiễm mới không giảm khiến họ tuần này thông báo phong tỏa nửa thành phố trong 8 ngày, kèm xét nghiệm diện rộng.
Tại Thượng Hải, số liệu về xe tải cho thấy hoạt động kinh tế trong thành phố đã giảm 40% so với bình thường. Con số này có thể còn lớn hơn nếu thành phố này làm theo Trường Xuân - thủ phủ của Cát Lâm. Trường Xuân áp lệnh phong tỏa hôm 11/3. Hoạt động kinh tế ở đây đã giảm hơn 66% so với bình thường.
Thâm Quyến có vẻ là kịch bản nhẹ nhàng nhất về phong tỏa tại Trung Quốc. Đợt phong tỏa kéo dài 1 tuần của thành phố này chỉ làm giảm hoạt động kinh tế khoảng 34%. Thời gian hạn chế càng ngắn thì tác động kinh tế càng ít. Dù vậy, hoạt động của xe tải cũng giảm 20% so với bình thường.
Nhóm nghiên cứu của Song ước tính hoạt động phong tỏa của Trung Quốc trong quý đầu năm 2020 khiến GDP thực giảm 19,4%, cao hơn nhiều số liệu chính thức là 6,9%. Các nhà kinh tế học tại Nomura Holdings cuối tuần trước cũng nhận định kinh tế Trung Quốc đang đối mặt triển vọng tệ nhất kể từ quý I/2020.
Song cho rằng kết quả năm nay sẽ lạc quan hơn năm 2020, nếu coi Thâm Quyến là hình mẫu. "Phong tỏa một tuần như Thâm Quyến có lẽ hiệu quả hơn", ông cho biết. Nếu các thành phố khác cũng làm tương tự, "diễn biến tổng thể của nền kinh tế sẽ khá hơn nhiều, kể cả khi một phần ba đến một nửa thành phố bùng phát dịch, như đầu năm 2020".
Trung Quốc thậm chí vẫn có thể tăng trưởng, nếu GDP các khu vực không bị phong tỏa tăng lên. Từ năm 2020, các lệnh phong tỏa của Trung Quốc được áp dụng cục bộ, có mục tiêu thay vì trên diện rộng. Vì vậy, hoạt động kinh tế chỉ giảm khoảng 30%, thay vì 60% như Vũ Hán. Thời gian phong tỏa cũng ngắn hơn, trung bình chỉ khoảng 24 ngày.
"Đây là dấu hiệu chính phủ đã rút ra kinh nghiệm từ quá khứ và đã cập nhật chính sách", ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)