Theo Reuters, việc điều tra chống độc quyền với Google được Huawei đề xuất với chính phủ Trung Quốc năm ngoái. Cơ quan quản lý thị trường nước này đã tiếp nhận và đệ trình lên Ủy ban chống độc quyền của Quốc vụ viện Trung Quốc để xem xét. Tuy nhiên, việc có tiến hành một cuộc điều tra chính thức hay không sẽ được đưa ra sau tháng 10 và ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng quan hệ Mỹ - Trung.
Giới chức Trung Quốc sẽ xem xét các cáo buộc cho rằng vị trí độc tôn trên thị trường của Google gây ra thiệt hại lớn cho các công ty của nước này. "Mất sự hỗ trợ của Google với hệ điều hành Android, Huawei bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng và mất khả năng cạnh tranh trên thị trường smartphone", một trong hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters.
Các ví dụ về chống độc quyền tại châu Âu và Ấn Độ có thể được các nhà quản lý Trung Quốc xem xét và thực hiện tương tự với Googe. Trong đó, cách tính tiền phạt sẽ dựa trên doanh thu toàn cầu của một công ty thay vì doanh thu chỉ ở quốc gia sở tại.
Liên minh châu Âu từng phạt Google 4,3 tỷ euro (5,1 tỷ USD) vào năm 2018 vì các hành vi phản cạnh tranh, bao gồm việc buộc các hãng sản xuất cài đặt sẵn ứng dụng trên hệ điều hành Android, hạn chế cài ứng dụng từ bên thứ 3 và ép dùng công cụ tìm kiếm Google. Ấn Độ gần đây đang xem xét cáo buộc Google độc quyền quảng cáo cho ứng dụng thanh toán di động.
Các bên liên quan, bao gồm Google, Huawei, Cục quản lý Nhà nước về quy chế thị trường và Quốc vụ viện Trung Quốc, đều không bình luận về vụ việc.
Mở cuộc điều tra với Google có thể là hành động đáp trả của Trung Quốc với chính quyền Trump sau hàng loạt căng thẳng gần đây giữa hai nước. Mỹ trước đó đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại và khiến công ty này lao đao khi không thể sử dụng các dịch vụ của Android cũng như mất nguồn cung linh kiện chế tạo chip xử lý. Ngoài Huawei, TikTok cũng đang trong hoàn cảnh tương tự khi bị buộc phải thoái vốn tại thị trường Mỹ.
Vụ việc diễn ra đúng thời điểm Trung Quốc trong giai đoạn cải tổ lớn về luật chống độc quyền. Các đề xuất được quốc hội đưa ra bao gồm tăng đáng kể mức phạt tối đa và mở rộng các tiêu chí để đánh giá quyền kiểm soát thị trường của một công ty.
Loạt smartphone hiện tại của Huawei hiện chỉ chạy phiên bản mã nguồn mở của Android. Các dịch vụ đi kèm như Gmail, Photos, Search hay nền tảng để cài đặt nhiều ứng dụng, như Play Service, đều không còn. Tuy nhiên, hầu hết dịch vụ của Google từ lâu đã bị cấm tại Trung Quốc và đều có các dịch vụ khác thay thế do các công ty nội địa sản xuất.
Huawei cho biết hãng không thể đạt mục tiêu doanh thu 12 tỷ USD trong năm 2019 và đổ lỗi cho các hành động mà Mỹ gây ra. Để thay thế Google, hãng này đã ra mắt hệ điều hành HarmonyOS, nhưng phải năm sau mới xuất hiện trên thị trường.