Theo Bộ Nội vụ Trung Quốc, nhiều đám cưới hiện đại quá xa hoa và đôi khi dấy lên những vấn đề về đạo đức. Họ muốn khích lệ mọi người tổ chức ngày này theo cách truyền thống và tiết kiệm hơn.
Economic Daily cho biết, một số hiện tượng mới nổi gần đây đã được Bộ Nội vụ đưa vào tầm ngắm, như những món tiền mừng cưới cao chót vót để không kém cạnh hàng xóm, các trò náo động phòng thường dẫn tới quấy rối và bạo lực... Tất cả đều thể hiện sự tôn thờ đồng tiền và suy giảm đạo đức.
Những vấn đề này "không chỉ cản trở sự phát triển và nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở vùng nông thôn mà còn ảnh hưởng tới hòa hợp của gia đình và sự phát triển lành mạnh của xã hội", Bộ nội vụ cho biết trong một hội nghị quốc gia hôm 30/11 tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.
Theo một quan chức bộ, chính quyền địa phương được yêu cầu phải chuẩn hóa những nghi lễ hôn nhân để giải quyết các vấn đề này. "Các cơ sở sẽ đưa ra những hướng dẫn về quy trình đám cưới và lượng tiền mừng nhất định. Những việc này sẽ được chuẩn hóa theo hình thức công ước của dân làng và được một ủy ban phụ trách việc hiếu hỉ thi hành", Yang Zongtao, quan chức bộ cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia ngờ vực việc làm của chính phủ sẽ thay đổi được thái độ của người dân. "Những nghi lễ truyền thống đã được thực hiện quá nhiều năm và ngày càng trở nên phổ biến, không thể chỉ đơn giản cấm bằng mệnh lệnh", Xu Anqi, Viện khoa học xã hội Thượng Hải, bày tỏ.
Theo bà Xu, ủy ban hiếu hỉ được thành lập ở các vùng nông thôn những năm gần đây để chống các nghi lễ lãng phí, cũng không phải là một giải pháp hiệu quả.
"Để thay đổi những tập quán cũ này phụ thuộc phần lớn vào giáo dục cộng đồng và quảng bá các quan niệm và lối sống mới. Truyền thông không nên quảng bá rầm rộ các đám cưới của người nổi tiếng bởi những người này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng cộng đồng", bà nói.
Zhuang Deshui, phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu chống tham nhũng và minh bạch chính phủ tại Đại học Bắc Kinh, cho biết, "trong nhiều trường hợp, đám cưới và đám ma là cơ hội cho những quan chức nhận hối lộ", ông Zhuang nói.
Một sáng kiến tương tự để chấm dứt tục lệ chôn cất, đơn giản hóa các hoạt động tang lễ và điều chỉnh giá dịch vụ cũng châm ngòi cho phản ứng dữ dội tại Trung Quốc. Một số chính quyền địa phương đã coi hỏa táng là cách an táng duy nhất và thực hiện việc phá quan tài - thứ mà nhiều người cao tuổi phải dùng hết tiền dành dụm mới mua được.
Bảo Ngọc