Bloomberg trích lời nguồn tin thân cận cho biết, chỉ vài quan chức đàm phán của Trung Quốc cho rằng, trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 có thể đạt thỏa thuận. Một phần vì họ cảm thấy rủi ro khi khuyên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký vào thỏa thuận mà ông Trump có thể phá bỏ sau này.
Ba quan chức Trung Quốc cho biết nước này đã chuẩn bị kế hoạch trong trường hợp không đạt thỏa thuận. Trong đó có đưa các công ty Mỹ vào danh sách thực thể không đáng tin và tung thêm biện pháp kích thích kinh tế. Từ cuối tháng 5, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tuyên bố tạo danh sách trên nhắm vào những công ty mà chính quyền cho rằng làm tổn hại lợi ích của các doanh nghiệp trong nước. Động thái này được đưa ra sau vụ FedEx "chuyển nhầm" tài liệu của Huawei đến Mỹ.
Trung Quốc từ lâu đã muốn giảm phụ thuộc vào Mỹ. Nỗ lực này càng trở nên cấp bách khi cuối tuần trước, ông Trump đề nghị các công ty Mỹ tìm phương án thay thế Trung Quốc. Sau khi đàm phán đổ bể hồi tháng 5, ông Tập lặp lại lời kêu gọi Trung Quốc "tự chủ" trong công nghệ chủ chốt và muốn người dân tham gia vào một cuộc "Vạn lý Trường chinh" mới.
"Giảm phụ thuộc dần dần đang diễn ra rồi, vì nhiều công ty đã phải lên phương án dự phòng trong môi trường có quá nhiều bất ổn", Tim Stratford - Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho biết.
GDP Trung Quốc hiện tăng chậm nhất gần 3 thập kỷ, do giới chức tìm cách kiềm chế khối nợ và bất ổn tài chính. Căng thẳng thương mại với Mỹ càng khiến Trung Quốc chịu thiệt hại. Trên thực tế, ông Tập không có nhiều dư địa chính sách để trả đũa Tổng thống Trump. Sau mỗi lần đình chiến, Trump lại giáng đòn nặng hơn vào Trung Quốc, từ nâng thuế nhập khẩu đến cấm vận Huawei Technologies.
Dù vậy, họ vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) công bố đợt cải tổ lớn, nhằm hạ lãi suất cho vay. Chính phủ nước này cũng đang cân nhắc cho phép các địa phương phát hành thêm trái phiếu, nhằm huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt. Thậm chí, hai bên còn nhiều lần đưa ra thông tin trái chiều, khiến giới phân tích và nhà đầu tư hoang mang.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tuần trước ở Pháp, ông Trump cho biết quan chức Trung Quốc "đã gọi điện cho quan chức thương mại Mỹ" và nói rằng "Hãy quay lại bàn đàm phán". Ông cho rằng đây là bằng chứng Trung Quốc đang rất muốn đạt thỏa thuận. "Họ đã chịu thiệt hại rất nặng nề, nhưng họ hiểu đây là điều đúng đắn cần làm", ông nói.
Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bật tăng. Dù vậy, Bắc Kinh sau đó lại cho biết họ "chưa nghe" về việc này. Tình hình còn tệ hơn, khi những phát biểu của ông Trump nhằm mô tả Trung Quốc là bên nhượng bộ trong đàm phán càng khiến Trung Quốc cho rằng ông là đối tác không đáng tin.
"Việc này sẽ khiến khả năng hai nước sớm tìm ra giải pháp trở nên bất khả thi", Tao Dong - Phó chủ tịch phụ trách Trung Quốc tại mảng ngân hàng bán lẻ của Credit Suisse Hong Kong nhận định.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết họ không biết đến các cuộc điện thoại mà Trump đề cập. Hôm thứ hai, Tổng biên tập Global Times Hu Xijin cũng nhận định Tổng thống Mỹ đã phóng đại tầm quan trọng của các cuộc nói chuyện cấp thấp, và quan điểm của Trung Quốc không hề thay đổi.
Dù Trung Quốc sẵn sàng đưa điều khoản tăng mua nông sản Mỹ vào thỏa thuận, ông Tập khó có khả năng ký vào một hiệp định mà vẫn giữ nguyên thuế nhập khẩu. Ông cũng khó chấp nhận tư nhân hóa nhiều ngành công nghiệp thiết yếu mà nước này muốn quản lý.
"Giới chức Trung Quốc muốn giữ cả tăng trưởng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Hiện tại họ không thể nhượng bộ", Suisheng Zhao - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ - Trung tại Trường Quốc tế học thuộc Đại học Denver cho biết.
Cả hai bên dự kiến gặp nhau tháng tới để khôi phục đàm phán thương mại. Từ quan điểm của Trung Quốc, tiến triển chủ yếu phụ thuộc vào tính toán chính trị của ông Trump trước bầu cử năm 2020. Thậm chí kể cả khi đó, họ cũng muốn ông Trump đảm bảo sẽ thực hiện đúng cam kết.
Còn về phía Mỹ, Trump có thể đã nhận ra rằng việc giáng đòn vào Trung Quốc là điều tồi tệ với kinh tế và doanh nghiệp Mỹ, Charles Liu - nhà sáng lập Hao Capital nhận định. "Điều duy nhất thay đổi là Trump đang chịu rất nhiều sức ép để đạt thỏa thuận, chứ không phải Trung Quốc. Quan điểm của Trung Quốc hiện tại là nếu anh muốn nói chuyện, cánh cửa luôn mở. Nhưng dọa nạt thì sẽ chẳng giúp ích gì cho đàm phán", ông nói.
Hà Thu (theo Bloomberg)