Theo Hải quan Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm nay, quốc gia này nhập hơn 2,8 triệu tấn thủy sản, trị giá gần 11,4 tỷ USD. Mức này giảm 6% về lượng và 11% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 3 cho thị trường này.
Trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Ecuador và Ấn Độ, hàng thủy sản từ Việt Nam lại tăng trưởng tích cực. Theo số liệu của hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc 8 tháng qua đạt trên 1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Cá tra và tôm chân trắng là hai mặt hàng chủ lực, với doanh thu lần lượt đạt 350 triệu và 180 triệu USD.
Các sản phẩm khác như tôm hùm, cua, ốc, nghêu sang Trung Quốc cũng tăng mạnh. Tôm hùm tăng 2,4 lần, cua tăng 16 lần, ốc và nghêu lần lượt gấp 7 và 3 lần. Các mặt hàng thủy sản tươi sống có nhiều tiềm năng, trong khi hàng đông lạnh đối mặt cạnh tranh gay gắt.
Theo các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc có nhiều thay đổi khi người dân thích hải sản tươi sống hơn hàng đông lạnh. Sự phát triển của thương mại điện tử và hệ thống chuỗi cung ứng lạnh giúp các sản phẩm hải sản tươi sống được tiêu thụ nhiều hơn tại các chợ truyền thống. Tôm là mặt hàng được người tiêu dùng nước này mua trực tuyến phổ biến nhất.
Một CEO doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm ở Khánh Hòa cho biết Trung Quốc đã tạo cơ chế thuận lợi cho xuất khẩu tôm hùm sau khi nới lỏng quy định cấm đánh bắt tôm giống. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nuôi tôm hùm xanh, đáp ứng nhu cầu cao của nước này. Ngoài ra, một phần nhỏ tôm hùm bông được xuất khẩu dưới dạng đông lạnh. Cua Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị trường này nhờ hương vị độc đáo và giá cả cạnh tranh.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc những tháng còn lại năm nay tiếp tục tăng, nhất là dịp lễ, Tết cuối năm. VASEP cũng nhận định kim ngạch mặt hàng này năm nay sang các thị trường dao động 9,4-9,5 tỷ USD, tăng gần 6% so với 2023.
Thi Hà