"Chúng tôi kêu gọi Panama xem xét mối quan hệ song phương rộng hơn và lợi ích lâu dài của hai quốc gia, chống lại sự can thiệp từ bên ngoài", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 7/2.
Bình luận được ông Lâm đưa ra sau khi Tổng thống Panama Jose Raul Mulino thông báo đại sứ nước này tại Bắc Kinh đã trình công hàm rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ông Mulino cho hay đã dành nhiều thời gian để đánh giá lại quan hệ Panama - Trung Quốc và coi đây là lựa chọn tốt nhất cho đất nước.
"Bắc Kinh lấy làm tiếc về quyết định của Panama", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, thêm rằng các dự án trong khuôn khổ BRI đã mang lại lợi ích cho người dân ở các quốc gia như Panama.
"Trung Quốc cũng kiên quyết phản đối việc Mỹ bôi nhọ và phá hoại hợp tác Vành đai và Con đường thông qua các biện pháp gây áp lực và cưỡng ép", ông Lâm nói thêm.
![Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh năm 2024. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/07/afp-20240323-ar-20240323192057-3196-8670-1738917334.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=J11rdSiQmJf0Wbcr14dDoA)
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh năm 2024. Ảnh: AFP
Động thái gửi công hàm rút khỏi BRI của Panama diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio gặp Tổng thống Mulino. Sau cuộc gặp, ông Mulino thông báo nước này sẽ nghiên cứu kết thúc sớm thỏa thuận tham gia BRI. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố thêm rằng sẵn sàng "dùng biện pháp mạnh" để giành quyền quản lý kênh đào Panama với cáo buộc "Trung Quốc đang kiểm soát" tuyến đường thủy chiến lược này.
Trong khi đó, Tổng thống Mulino nói rằng quyết định rút khỏi BRI được đưa ra từ trước khi Ngoại trưởng Rubio thăm Panama hôm 2/2.
Bình luận về việc Ngoại trưởng Mỹ đe dọa sẽ có hành động chống lại Panama nếu nước này không thực hiện những thay đổi lập tức để giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với kênh đào, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là hành động "cố tình gieo rắc bất hòa giữa Bắc Kinh với các nước Mỹ Latin liên quan".
Panama và Trung Quốc ký bản ghi nhớ với tên gọi "Hợp tác trong khuôn khổ Vành đai kinh tế, Con đường Tơ lụa (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21 (MSR)" vào năm 2017, dưới thời tổng thống Juan Carlos Varela. Panama khi đó vừa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, sau khi cắt quan hệ với Đài Loan, và là nước đầu tiên ở Mỹ Latin tham gia BRI.
SREB và MSR là hai cấu thành chính của BRI do Trung Quốc khởi xướng từ năm 2013, gồm mạng lưới các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường ống, cảng biển... kết nối giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Trong những tháng qua, Tổng thống Trump và một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng các thỏa thuận hợp tác giữa Panama và Trung Quốc liên quan kênh đào xuyên Trung Mỹ đã vi phạm cam kết trung lập trong hiệp ước Mỹ - Panama năm 1977. Ông Trump cũng không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát kênh đào.
Chính phủ Panama phản bác những cáo buộc này, cho rằng hai cảng biển hợp tác vận hành cùng doanh nghiệp Trung Quốc nằm ngoài phạm vi kênh đào.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tháng trước khẳng định Bắc Kinh "chưa từng can thiệp" vào vận hành kênh đào Panama hay chủ quyền của Panama. Bà nhấn mạnh Trung Quốc xem kênh đào nối liền Thái Bình Dương - Đại Tây Dương là "tuyến đường thủy quốc tế trung lập vĩnh viễn".
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)