"Mỹ cùng phương Tây nên thay đổi thói quen cũ và chấm dứt can thiệp vào các vấn đề của Trung Đông trên mọi phương diện, cố biến đổi khu vực theo tiêu chuẩn của họ", Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp Syria Faisal Mekdad trong buổi đối thoại trực tuyến hôm qua.
Ông khẳng định Bắc Kinh ủng hộ người dân các nước Trung Đông "tự khám phá con đường phát triển", đồng thời khuyến khích khu vực giải quyết các vấn đề an ninh thông qua đoàn kết và tự khẳng định tiếng nói quốc gia.
"Chúng tôi tin tưởng những người anh em ở Trung Đông có đủ năng lực và sự thông thái để đảm bảo hòa bình, ổn định và giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại", ông nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Trung Quốc tái khẳng định Bắc Kinh ủng hộ "chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá quốc gia" của Syria. Ông Vương Nghị cho rằng tương lai Syria cần được quyết định bởi người dân nước này. Cộng đồng quốc tế khi viện trợ nhân đạo không nên kèm theo ràng buộc chính trị, tạo điều kiện cho Syria tái thiết sau hơn một thập kỷ nội chiến.
Ông Vương công kích Mỹ cùng phương Tây vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du đầu tiên tại Trung Đông từ khi nhậm chức vào tháng 2/2021.
Trong cuộc họp báo cùng Thủ tướng Israel Yair Lapid ở Jerusalem giữa tuần này, ông nhấn mạnh Washington muốn "thúc đẩy những lợi ích của Mỹ" trong khu vực, cũng như sửa chữa sai lầm khi từng "rút khỏi khu vực". Lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh nước này kiên định "sắt đá" với những cam kết hợp tác cùng Trung Đông.
Chiến lược đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông trong nhiều năm qua bị phủ bóng bởi cuộc chiến tại Iraq, tình trạng đối đầu kéo dài với Iran và mới nhất là căng thẳng với Arab Saudi do bất đồng về vấn đề nhân quyền. Cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi khiến quan hệ Washington - Riyadh xấu đi đáng kể do cộng đồng tình báo Mỹ quy trách nhiệm cho Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman.
Trong chuyến thăm Arab Saudi, ông Biden đã nỗ lực "hâm nóng" quan hệ. Ông cam kết viện trợ lương thực trị giá một tỷ USD cho Trung Đông và Bắc Phi.
Ma Xiaolin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang của Trung Quốc, đánh giá Washington đang đối diện thách thức lớn ở Trung Đông.
Ma Xiaolin nhận định Bắc Kinh đang chủ động gia tăng sức ảnh hưởng ở Trung Đông, giữa thời điểm Mỹ buộc phải phân chia nguồn lực và khả năng tập trung chính sách để đối trọng Nga ở châu Âu và Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Bắc Kinh thúc đẩy suốt thập kỷ qua do vị trí cầu nối giữa ba lục địa Á - Âu - Phi.
"Trung Quốc rất cần nguồn cung năng lượng của Trung Đông. Khu vực này còn là thị trường lớn cho sản phẩm công nghiệp Trung Quốc", ông nói.
Thanh Danh (Theo SCMP)