Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi hôm 28/4 nói rằng thông tin Trung Quốc xây căn cứ hải quân ở Quần đảo Solomon "hoàn toàn giả mạo", đồng thời cáo buộc chính phủ và truyền thông Australia cố tình bóp méo sự thật, gây căng thẳng.
"Hợp tác theo hiệp ước an ninh mới sẽ liên quan việc duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thiên tai", ông Đàm nói.
Bình luận được đưa ra sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison cảnh báo một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở quốc đảo Nam Thái Bình Dương sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với chính phủ của ông.
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến ra mắt trung tâm hợp tác về biến đổi khí hậu giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho biết việc đàm phán và ký kết thỏa thuận khung về hợp tác an ninh là "quyền thiêng liêng của hai quốc gia có chủ quyền", phù hợp với luật pháp, chuẩn mực quốc tế, và không ai có quyền quy kết Trung Quốc.
"Dựa vào đâu mà Australia có thể vạch ra 'lằn ranh đỏ' cho Quần đảo Solomon ở cách xa 2.000 km, và Trung Quốc cách họ 10.000 km? Nếu đây không phải hành vi xâm phạm chủ quyền, can thiệp công việc nội bộ của quốc gia khác và vi phạm quy tắc quốc tế thì là gì?", ông Tạ nói.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, lập trường của Australia là "thông tin sai lệch, phỉ báng, ép buộc và đe dọa" và là bằng chứng nước này vẫn "bị ám ảnh về chủ nghĩa thực dân, thực hiện ngoại giao cưỡng bức, cố kiểm soát các đảo ở Thái Bình Dương để duy trì cái gọi là phạm vi ảnh hưởng".
"Thái Bình Dương là ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực, không phải 'sân sau' của ai và nên là nơi hợp tác quốc tế, không phải bàn cờ cho các trò chơi địa chính trị", quan chức Trung Quốc nói, thêm rằng thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon "cởi mở và minh bạch, không nhắm mục tiêu vào các bên thứ ba".
Tại sự kiện có sự tham dự của quan chức từ Quần đảo Solomon, Kiribati, Niue, Samoa, Tonga, Micronesia, Kiribati, Fiji và Vanuatu, ông Tạ nói Trung Quốc hiểu rõ những thách thức về biến đổi khí hậu mà các quốc đảo đang phải đối mặt và sẵn sàng trợ giúp.
"Trung Quốc không có lợi ích ích kỷ trong phát triển quan hệ và hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương. Trung Quốc không tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng hay tham gia bắt nạt, chèn ép", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Quần đảo Solomon Jeremiah Manele tuần trước ký thỏa thuận khung về hợp tác an ninh, nhưng hai bên không công bố nội dung chi tiết.
Theo dự thảo thỏa thuận rò rỉ hồi tháng 3, tàu thuyền Trung Quốc sẽ được phép thực hiện các hoạt động tiếp tế hậu cần, dừng chân và quá cảnh tại Quần đảo Solomon. Trung Quốc cũng có thể triển khai "các lực lượng thích hợp" để bảo vệ nhân viên cùng dự án của nước này ở Solomon.
Thỏa thuận này cũng nêu rõ Solomon có thể yêu cầu Trung Quốc điều động cảnh sát vũ trang, binh sĩ và lực lượng hành pháp của nước này tới quốc đảo Thái Bình Dương để thực hiện các nhiệm vụ nhân đạo hoặc an ninh. Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ này.
Mỹ và Australia từ lâu lo ngại khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này triển khai sức mạnh vượt xa biên giới. Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đều có thể buộc Australia và Mỹ thay đổi phương án quân sự trong khu vực. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Kritenbrink hôm 26/4 tuyên bố Washington sẽ có biện pháp phản ứng nếu Bắc Kinh thiết lập hiện diện quân sự lâu dài ở Quần đảo Solomon, song từ chối nêu chi tiết.
Trong khi đó, Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare nhiều lần khẳng định sẽ không có căn cứ quân sự nào của Trung Quốc được xây dựng trên đất nước ông theo thỏa thuận an ninh.
Huyền Lê (Theo SCMP)