"Chúng tôi được chỉ thị không nên sử dụng ngôn từ hung hăng về ông ấy (Tổng thống Mỹ Donald Trump)", một nguồn tin giấu tên nói, theo SCMP.
Trump ngày 6/7 áp đặt mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh gọi đây là "cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế". Trung Quốc áp dụng các biện pháp trả đũa tương đương với hàng hóa Mỹ và cáo buộc nước này vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Dù kịch liệt chỉ trích các chính sách thương mại của chính quyền Trump, các quan chức và truyền thông nhà nước Trung Quốc không đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ hay các quan chức của ông.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cũng tránh công kích trực tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông liên tục nhấn mạnh trực tiếp với ông Tập và thông qua Twitter rằng hai người "sẽ luôn là bạn bè, bất kể điều gì xảy ra trong tranh chấp thương mại".
Cách tiếp cận này tương phản rõ rệt với những màn đấu khẩu giữa Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng căng thẳng. Ông Kim từng gọi ông Trump là "lão lẩm cẩm" trong khi Tổng thống Mỹ gọi lãnh đạo Triều Tiên là "gã tên lửa".
Theo Sow Keat Tok, giảng viên Đại học Melbourne về quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, ông Tập sẽ không cho phép điều này xảy ra với mình. "Vấn đề không chỉ là về thể diện mà còn nhằm ngăn chặn những phản ứng tiềm tàng từ xã hội Trung Quốc, trong trường hợp sự thù địch cá nhân vượt khỏi tầm kiểm soát", ông nhận định.
Tok cho rằng vì Trump tránh chỉ trích trực tiếp Tập Cận Bình nên Chủ tịch Trung Quốc cũng làm điều tương tự. "Ông Tập để Bộ Thương mại gửi đi các thông điệp cứng rắn thay vì mình", chuyên gia nhận định.
Tuyết Mai