"Chiếc taxi chạy rất êm. Xe có người giám sát, nhưng ông ấy gần như không tác động gì đến việc điều khiển. Chiếc xe chạy qua ba hay bốn ngã tư gì đó và đều tự xử lý an toàn, không có tình huống bất ngờ nào xảy ra", Xinlin nói.
Một hành khách khác tên Pan Ya miêu tả cảm giác thoải mái khi ngồi trên taxi tự lái. "Ban đầu, tôi hơi lo vì chưa từng ngồi taxi tự lái bao giờ. Nhưng khi vào trong, cảm giác đó không còn", chị Ya chia sẻ.
Theo China Daily, những chiếc xe tự lái trên đã được công ty Hunan Apollo Intelligent Transportation đưa vào vận hành tại một số nơi thuộc tỉnh Hồ Nam hồi tháng 4 vừa qua. Họ đã đưa vào 30 taxi tự lái để thử nghiệm và cho khách đi miễn phí miễn là có phản hồi về sản phẩm. Nhưng đa số là phản hồi tích cực.
Trong khoảng hai năm qua, hàng chục doanh nghiệp Trung Quốc đã đẩy mạnh các dự án về taxi tự lái, gọi là "robotaxi". Nước này cũng đặt mục tiêu sẽ thương mại hóa quy mô lớn taxi tự lái vào năm 2023. "Robotaxi sẽ là ưu tiên hàng đầu ở lĩnh vực xe hơi tự lái", Jianxiong Xiao, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ xe hơi tự lái AutoX, nói với CNBC.
AutoX, công ty được hậu thuẫn bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, đã phát triển cả phần cứng và phần mềm cho ôtô không người lái. Đây là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong các dự án về robotaxi ở Trung Quốc. Tháng trước, hãng cũng đã mở dịch vụ robotaxi tại Thượng Hải. Người dùng có thể đặt xe thông qua ứng dụng Amap, cũng thuộc sở hữu của Alibaba.
Theo tập đoàn tư vấn toàn cầu McKinsey, Trung Quốc đang có tiềm năng lớn để trở thành thị trường xe tự hành lớn nhất thế giới. Công ty này dự báo, ôtô không người lái có thể chiếm 66% thị phần vận tải năm 2040, tạo ra 1.100 tỷ USD từ dịch vụ vận chuyển và 900 tỷ USD về kinh doanh loại xe này.
Chạy đua robotaxi tại Trung Quốc đang "nóng" hơn bao giờ hết.
WeRide, một công ty khởi nghiệp về xe không người lái khác, đã khởi động dự án robotaxi tại Quảng Châu cuối năm ngoái. Hệ thống đưa vào vận hành thử nghiệm thông qua ứng dụng Amap. Tony Han, CEO của WeRide, cho biết số lượng xe công ty đưa vào vận hành đã vượt con số 100, đồng thời quãng đường thử nghiệm ước đạt 2,7 triệu km.
Hãng gọi xe Didi, công ty tìm kiếm khổng lồ Baidu và công ty khởi nghiệp Pony.ai cũng nằm trong các doanh nghiệp tiên phong về robotaxi và đã có một số dự án taxi tự lái phục vụ người dân.
Hiện, các dự án về công nghệ cao, trong đó có ô tô tự lái đang được chính phủ Trung Quốc thúc đẩy. Nhiều thành phố đã được cấp giấy phép cho các dự án robotaxi này.
Các công ty về xe tự lái tại Trung Quốc đang tìm cách tạo ra các mô hình kinh doanh bền vững. Một trong những mục tiêu đó là sử dụng robot để giảm thời gian sản xuất cũng như giảm chi phí sản xuất phần cứng cho ôtô tự lái. Việc vận hành robotaxi sẽ là một trong những mục tiêu dùng máy móc thay thế sức lao động con người. "Trong khoảng 20 - 30 năm nữa, tài xế taxi có thể chỉ là một công việc từng tồn tại trong lịch sử", Han dự đoán.
Ông Han cũng kỳ vọng, robotaxi sẽ được thương mại hóa tại Trung Quốc trên quy mô lớn từ năm 2023 đến năm 2025, đồng thời dự kiến WeRide sẽ bắt đầu kiếm tiền từ kinh doanh taxi tự lái vào năm 2025.
Trong khi đó, Xiao kỳ vọng việc thương mại hóa taxi tự lái có thể sớm hơn, từ 2022 hoặc đầu 2023. "Robotaxi sẽ là thị trường lớn nhất dành cho ô tô tự lái. Đồng thời, đây cũng là thị trường dễ thương mại hóa nhất", ông Xiao dự đoán.
Tuy vậy, theo ông Han, khó khăn lớn nhất vẫn là hạ tầng đường xá. "Chúng ta có thể giải quyết được vấn đề công nghệ. Tuy nhiên, nếu thực sự muốn biến robotaxi thành một phương thức vận chuyển, chúng ta phải đảm bảo những con đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cao hơn hiện nay", Han nói. Ông cũng dự đoán, robotaxi và các loại hình xe tự lái khác sẽ là động lực để chính phủ Trung Quốc nâng cấp các hệ thống giao thông trên toàn đất nước trong tương lai gần.
"Tôi nghĩ đây là cuộc chạy marathon. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước", Han nói.
Bảo Lâm tổng hợp