Jay Li, hướng dẫn viên du lịch ở Bắc Kinh, nói những ngày này nếu tìm thấy 20 - 30 khách quốc tế ở Tử Cấm Thành đã "được coi là rất nhiều". Và hầu hết người nước ngoài đến Trung Quốc sau dịch để công tác rồi tranh thủ đi tham quan. Khách du lịch hiện tại chỉ bằng 20% so với trước dịch.
Với nhiều du khách, Trung Quốc vẫn là một hành trình quá xa. Đại dịch đã qua nhưng ký ức về nó vẫn còn. Hình ảnh những con đường vắng vẻ, những tòa nhà có rào chắn không phải là thứ hấp dẫn những ai đang tìm kiếm một kỳ nghỉ thư giãn. Khó khăn xin thị thực, thiếu các chuyến bay, hệ thống thanh toán riêng và rào cản ngôn ngữ cũng hạn chế sức hấp dẫn của Trung Quốc đối với du khách đến từ Bắc Mỹ, châu Âu.
Việc Trung Quốc lên kế hoạch gia tăng các chuyến bay quốc tế gấp hơn 10 lần cũng không giúp thu hút lượng khách như mong đợi, dù trước dịch quốc gia này đón khoảng 136 triệu lượt khách mỗi năm.
James Riley, CEO của tập đoàn Mandarin Oriental, cho biết lượng khách quốc tế đổ vào Trung Quốc hiện "rất khiêm tốn". Ngoài một số căng thẳng liên quan đến chính trị, việc kiểm soát biên giới chặt chẽ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020 đã khiến đi lại bằng đường hàng không sụt giảm mạnh.
Một yếu tố khác khiến Trung Quốc khó hút khách du lịch là việc sử dụng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số dành riêng cho quốc gia này. Thẻ tín dụng không phải do ngân hàng Trung Quốc phát hành hiếm khi được chấp nhận và khách thường khó sử dụng tiền mặt. Các cơ sở kinh doanh, từ quầy hàng vỉa hè đến bách hóa lớn, chỉ chấp nhận hệ thống thanh toán địa phương.
Barbara Kosmun, du khách Slovenia đến Trung Quốc hè này, cho biết hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc "có vẻ khó khăn hơn so trước Covid-19". Sau năm lần tải hộ chiếu lên để kích hoạt lại tài khoản WeChat Pay không thành công, Kosmun nản và đành nhờ bạn bè trả tiền hộ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khuyến cáo mọi doanh nghiệp địa phương nên chấp nhận tiền mặt. Ứng dụng thanh toán WeChat Pay, Alipay gần đây đều cam kết cải thiện liên kết với thẻ ngân hàng quốc tế. Nhưng điều này chưa đủ để du khách hài lòng vì không ai cảm thấy vui vẻ khi muốn tiêu tiền cũng gặp khó khăn.
"Trung Quốc là quốc gia thân thiện nhất thế giới chỉ khi bạn nói được tiếng Trung, có ứng dụng phù hợp và thẻ ngân hàng Trung Quốc", Kosmun nói.
Nếu không có các nền tảng thanh toán địa phương được cài đặt trên điện thoại thông minh, du khách gần như không thể thuê xe đạp để tham quan thành phố. Đặt vé tàu được coi là một quá trình phức tạp với nhiều khách quốc tế, đặc biệt với những người không nói được tiếng Trung.
Xin thị thực cũng là một thách thức đối với nhiều du khách khi họ buộc phải đến đại sứ quán hoặc trung tâm tiếp nhận hồ sơ để xếp hàng, đôi khi mất nhiều giờ. Vài ngày sau họ phải quay lại lấy. Tại Singapore, mọi người phải xếp hàng hơn 16 tiếng để lấy lịch hẹn xin thị thực dù phí cao, theo SCMP. Mỗi du khách Mỹ phải chi trung bình 185 USD để xin visa vào Trung Quốc.
Một bài phân tích trên Zhihu, website hỏi đáp nổi tiếng, đã nhận được sự đồng tình rộng rãi khi nhấn mạnh việc khách Mỹ đang chọn Đông Nam Á, châu Âu và tránh Trung Quốc vì nước này có quá nhiều rào cản với họ.
"Trừ khi bạn có cảm tình thật sâu sắc với Trung Quốc, nếu không nơi này chắc chắn không phải lựa chọn đầu tiên cho chuyến du lịch", bài viết nhận định.
Anh Minh (Theo Time)