Theo New York Times, WhatsApp đã bị gián đoạn hoàn toàn ở Trung Quốc. Sự việc có dấu hiệu bắt đầu từ giữa tuần trước và phổ biến diện rộng hôm qua, 25/9. Đây được xem là động thái mới nhất của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường giám sát trước Đại hội Đảng Cộng sản sẽ diễn ra vào tháng 10 tới.
TechCrunch cho biết cũng nhận được thông báo rằng nhiều người dùng tại Trung Quốc bị mất quyền truy cập, tuy nhiên, một số vẫn còn có thể gửi và nhận tin nhắn WhatsApp.
WhatsApp lâu nay bị chính quyền Trung Quốc xem là mục tiêu chính cần can thiệp bởi tính năng mã hóa mạnh mẽ của nó hơn hẳn các dịch vụ khác như Skype hay FaceTime của Apple. Ngay cả chính Facebook, công ty mẹ của WhatsApp cũng không biết được những gì đang được nói trong các cuộc đàm thoại văn bản, thoại hay video trên máy chủ. Thông điệp được mã hóa này bị cho là có thể được sử dụng bởi các nhà bất đồng chính kiến với mục đích chống lại chính phủ.
Hồi giữa tháng 7, phía Trung Quốc đã bắt đầu chặn các cuộc trò chuyện video và gửi ảnh, tệp tin bằng WhatsApp cũng như làm ngừng nhiều cuộc trò chuyện thoại. Nhưng lúc đó hầu hết các tin nhắn văn bản trên ứng dụng vẫn hoạt động bình thường. Sau vài tuần, mọi việc trở lại bình thường không bị cấm đoán.
"Động thái lần này lại hoàn toàn khác biệt", Nadim Kobeissi, một nhà mật mã học ứng dụng tại công ty Symbolic Software cho hay. Việc chặn tin nhắn WhatsApp cho thấy các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc có thể đã phát triển được phần mềm chuyên dụng để can thiệp vào các thông điệp, dựa vào công nghệ mã hóa.
"Đây không phải là phương pháp kỹ thuật điển hình, trong đó, chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt một cái gì đó", ông Kobeissi nói. Ông chia sẻ thêm rằng hệ thống của công ty đã bắt đầu phát hiện sự gián đoạn của WhatsApp ở Trung Quốc vào (20/9) tuần trước và tới hôm qua, các nỗ lực ngăn chặn là toàn diện.
Trong khi đó WhatsApp cũng như Facebook từ chối bình luận giống như trước đây khi được hỏi về những khó khăn ở Trung Quốc.
Người dùng Trung Quốc đang bị "ép" chuyển sang WeChat thay vì các ứng dụng khác. Ảnh Reuters. |
Lokman Tsui, chuyên gia truyền thông Internet tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói rằng WhatsApp dường như đã bị gián đoạn nghiêm trọng bắt đầu từ 24/9. Nhưng ông cho biết một số người dùng WhatsApp vẫn có thể sử dụng dịch vụ.
Trên thực tế, những người ở Trung Quốc vẫn có thể sử dụng WhatsApp thông qua mạng riêng ảo như VPN. Nhưng trong vài tháng gần đây, chính phủ nước này đã mạnh tay loại bỏ các nhà cung cấp VPN trên thị trường.
"Nếu bạn chỉ được lái xe với tốc độ một dặm (1,6 km) một giờ, bạn sẽ không muốn lái xe trên con đường đó, ngay cả khi nó không bị chặn hoàn toàn", ông Tsui nói.
Chính quyền Trung Quốc có "truyền thống lịch sử" về việc chặn một cách không hoàn toàn các dịch vụ Internet, cũng như làm chậm đến mức chúng trở nên vô dụng. Việc kiểm duyệt đã khiến nhiều người dùng ở Trung Quốc chuyển sang các lựa chọn khác như WeChat của Tencent, một ứng dụng hoạt động trơn tru và nhanh chóng nhưng dễ dàng bị thao túng và theo dõi bởi chính quyền.
Sự ngừng hoạt động của WhatsApp ngay lập tức khiến cho nhiều người dùng tỏ ra lo lắng và chia sẻ quan điểm của mình trên các diễn đàn, mạng xã hội.
"Tôi mất liên lạc với khách hàng, bắt đầu trở lại làm việc với điện thoại và email", một người dùng phàn nàn trên Weibo, một dạng Twitter kiểu Trung Quốc.
"Ngay cả WhatsApp cũng bị chặn? Tôi sẽ sớm bị đào thải khỏi thị trường", một người khác chia sẻ.
Facebook bị chặn ở Trung Quốc từ năm 2009, ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram cũng không khả dụng ở thị trường này và WhatsApp là sản phẩm cuối cùng của hãng vẫn có mặt ở Trung Quốc. Hãng công nghệ Mỹ đã tự mình thay đổi bản thân ở nhiều khía cạnh với hi vọng mong nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền nước này. Công ty cũng được phát hiện là đã xây dựng một phiên bản ứng dụng chia sẻ ảnh riêng tư mang tên Colorful Balloons, được phân phối dưới tên của công ty Internet Youge. Bản thân mạng xã hội Facebook cũng xây dựng một công cụ kiểm duyệt hồi năm ngoái, có thể áp dụng cho mạng xã hội chính của nó nhằm thu hút sự chú ý của các nhà quản lý Trung Quốc.
Tuy nhiên, với lệnh cấm một phần hồi tháng 7 của WhatsApp và sự ngăn chặn triệt để gần đây cho thấy mối quan hệ giữa hai bên đang có dấu hiệu phai nhạt đi chứ không phải được tăng cường như Mark Zuckerberg kỳ vọng. Rõ ràng có một sự xung khắc, mẫu thuẫn rất lớn giữa quan điểm của nhà cầm quyền với mong muốn kiểm duyệt và bản chất tự do ngôn luận trên mạng xã hội.