Theo SCMP, Baidu là công cụ tìm kiếm phổ biến nhất ở Trung Quốc, tương tự Google. Cục quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc hôm qua tuyên bố sẽ thực hiện một chiến dịch hành động nhằm vào các dịch vụ quảng cáo sai sự thật và gây hiểu nhầm trên Internet để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chiến dịch này sẽ kéo dài tới tháng 11.
Chính quyền Trung Quốc sẽ tăng cường theo dõi và xóa bỏ những quảng cáo trực tuyến sai sự thật, đồng thời nhằm vào các dịch vụ bán hàng giả, bán hàng đa cấp trực tuyến và hành vi lan truyền tin đồn trên Internet.
Quyết định được đưa ra sau vụ Wei Zexi, 21 tuổi, tử vong vào cuối tháng 4. Wei Zexi là một sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính tại trường đại học Tây An, tỉnh Thiểm Tây, mắc phải một hội chứng ung thư hiếm gặp.
Sau khi tìm kiếm thông tin trên Baidu, Wei Zexi đã tới trị liệu thử nghiệm tại Bệnh viện Số 2 thuộc Quân đoàn cảnh sát vũ trang ở Bắc Kinh và tử vong. Vụ việc đang khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cho biết phương pháp điều trị này chưa được chứng minh lâm sàng. Trên thực tế, một cơ sở y tế đã phải trả tiền để quảng cáo về phương pháp điều trị của họ được đặt nổi bật trên những trang kết quả tìm kiếm của Baidu.
Baidu – công ty sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc - cũng đang bị chính quyền điều tra về danh sách những quảng cáo y tế mất phí và đang được công cụ này đặt nổi bật.
Trước đó, hơn 30 tổ chức phi chính phủ và nhóm bảo vệ quyền lợi bệnh nhân đã kêu gọi mở cuộc điều tra Baidu về hành vi dàn xếp quảng cáo y tế dựa vào số tiền được trả.
Zhang Haoyu, đại diện của các tổ chức đâm đơn kiện cho biết, các nhà chức trách phớt lờ khiếu nại của họ nhiều tháng nay.
Trong một tài liệu nội bộ, Baidu cũng khẳng định rằng, tiền không phải là yếu tố duy nhất quyết định vị trí đặt quảng cáo trên trang tìm kiếm của công ty. Cũng theo tập tài liệu này, Baidu được cho là đã từ chối 30 triệu nhân dân tệ (hơn 4,6 triệu USD) là tiền quảng cáo cho những dịch vụ y tế bất hợp pháp, đồng thời, xóa 438.000 tài khoản quảng cáo đáng nghi trong năm 2015.
Các cơ quan chính phủ Trung Quốc như cục quản lý Không gian ảo, cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và thương mại, uy ban Quốc gia về Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình đang phối hợp điều tra sự việc. Quân đoàn cảnh sát vũ trang Bắc Kinh cũng được cho là sẽ hỗ trợ các cơ quan thẩm quyền trong cuộc điều tra này.
Sau sự việc của Wei Zexi, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện số 2 yêu cầu bệnh viện trả lại tiền. Từ ngày 4/5, bệnh viện này cũng đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới.
Baidu không phải là công ty duy nhất đối mặt với những tranh cãi về quảng cáo y tế. 5 năm trước, công ty Google cũng bị phạt 500 triệu USD vì cho một công ty dược Canada quảng cáo sản phẩm nhằm vào khách hàng ở thị trường Mỹ.
Kim Dung