Đại sứ Lưu Hiểu Minh nói với tờ Times trong cuộc phỏng vấn được công bố ngày 18/7 rằng khi London cắt quan hệ thương mại với Liên minh châu Âu vào cuối năm nay, họ không nên "kéo bè kéo cánh với Mỹ để chống Trung Quốc" bằng các triển khai quân sự.
"Hậu Brexit, tôi nghĩ rằng Anh vẫn muốn đóng vai trò quan trọng trên thế giới", ông nói. "Đó không phải là cách để đóng một vai trò quan trọng".

Tàu HMS Queen Elizabeth đến Portsmouth trong chuyến chạy thử tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.
Tờ Times đưa tin trong tuần này các nhà hoạch định quân sự Anh ấp ủ kế hoạch để tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đồn trú ở Thái Bình Dương như một phần của liên minh quốc tế đối trọng Trung Quốc. Con tàu trị giá 3,9 tỷ USD dự kiến lần đầu tiên được triển khai vào năm sau và sẽ đến Biển Đông, trong bối cảnh đang có nhiều lo ngại về tự do hàng hải ở khu vực này.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là chiến hạm lớn nhất lịch sử hải quân Anh với lượng giãn nước 65.000 tấn, diện tích mặt boong 16.000 m2, gấp 2,5 lần sân vận động Wembley. Nó có khả năng mang tới 60 máy bay. Tiêm kích F-35B Lightning II dự kiến là loại chủ lực của phi đội.
Quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang xấu đi vì vấn đề Hong Kong và Huawei. Sau khi chịu sức ép từ Mỹ, Anh hôm 13/7 ra lệnh cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G ở nước này, bất chấp cảnh báo trả đũa từ Bắc Kinh. Đại sứ Lưu gọi động thái này là "đáng thất vọng và sai lầm", dự đoán các công ty Anh sẽ mất hàng tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc.
Sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh ở Hong Kong cuối tháng 6, Anh gọi động thái này là "vi phạm quyền tự trị" của thành phố. London vạch ra lộ trình dễ dàng hơn để khoảng ba triệu cư dân Hong Kong nhập tịch Anh.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc phô diễn sức mạnh tại Biển Đông vượt xa ranh giới truyền thống. Trung Quốc nêu yêu sách phi lý với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông, triển khai tên lửa cùng thiết bị gây nhiễu trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép, gây khó khăn cho hoạt động của Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/7 đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington khẳng định Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý nào cho yêu sách "đường chín đoạn", cho rằng thế giới quan kiểu ức hiếp của Trung Quốc sẽ không có chỗ trong thế kỷ 21.
Phương Vũ (Theo AFP)