"Như chúng tôi biết, Cục Hải sự Trung Quốc hôm 3/5 đã ra thông báo về giàn khoan 981. Các công việc liên quan đang nằm hoàn toàn trong khu vực thuộc quần đảo Tây Sa", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói, dùng từ mà người Trung Quốc sử dụng khi đề cập quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đưa giàn khoan Hải Dương-981 (HD-981) đến lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
"Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối", ông tuyên bố.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi thư cho chủ tịch và tổng giám đốc của CNOOC để cực lực phản đối hành động trên và kiên quyết yêu cầu công ty này dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của Việt Nam, CNOCC hôm qua mở rộng phạm vi tác nghiệp của HD-981 từ một hải lý lên 3 hải lý và thông báo cấm tàu thuyền đi vào khu vực này.
HD-981 được cho là sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp từ ngày 2/5 đến 15/8 tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc – 111o12’06” kinh Đông, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý.
HD-981 thuộc sở hữu của CNOOC, là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Trị giá ước tính của nó lên tới 1 tỷ USD.
Đây là thế hệ giàn khoan kết hợp các thiết kế, công nghệ và thiết bị mới của thế giới. Giàn khoan được trang bị 8 máy phát điện 44.000 kilowatt, động cơ đẩy với sức mạnh mỗi động cơ tương đương 5 đầu máy xe lửa. Các động cơ đẩy sẽ chống lại tác động từ gió, sóng và dòng chảy của đại dương. Nó được đưa vào Biển Đông lần đầu tiên tháng 5/2012, vị trí ở phía nam Hong Kong.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhận định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan ra Biển Đông là một bước đi nguy hiểm và được toan tính kỹ lưỡng nhằm hiện thực hóa yêu sách vô lý đường lưỡi bò của Trung Quốc. Ông Trục cho rằng đây là hành động cốt lõi để Trung Quốc thực hiện chiến lược độc chiếm biển Đông, tranh giành lợi ích sống còn của các nước trong khu vực về kinh tế, dầu khí.
CNOOC hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.
Theo các tài liệu của Mỹ, trên Biển Đông có trữ lượng nhiên liệu dồi dào, gồm 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Biển Đông còn có nguồn hải sản phong phú và là tuyến đường vận tải biển quan trọng của thế giới.
Anh Ngọc