Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, Mỹ, hôm qua cho biết những hình ảnh chụp vào cuối tháng một cho thấy Bắc Kinh có thể đã bố trí hệ thống radar tần số cao tại đá Châu Viên, một trong 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp và xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo.
Hệ thống radar sẽ giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng giám sát hoạt động trên biển và trên không dọc theo vùng phía nam Biển Đông, theo báo cáo của CSIS.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khi được hỏi về thông tin trên nói bà không biết chi tiết, đồng thời ngang ngược cho rằng Trung Quốc "có quyền xây dựng trên lãnh thổ của mình" và điều động các biện pháp phòng vệ "giới hạn" đến nơi này, theo Reuters.
Thế giới nên chú ý hơn đến các công trình dân sự mà Trung Quốc đã xây như hải đăng, bà Hoa cho biết trong buổi họp báo thường kỳ hôm nay.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc biện hộ rằng các phương tiện ở Trường Sa, gồm cả thiết bị khí tượng và định vị, chủ yếu phục vụ mục đích dân sự, cung cấp lợi ích cho cộng đồng quốc tế.
Cơ quan này còn cáo buộc việc Mỹ điều phi cơ hoặc tàu quân sự tới Biển Đông, mời gọi đồng minh tập trận hoặc tuần tra chung trong khu vực là "gốc rễ" của quá trình quân sự hóa ở Biển Đông.
"Mỹ nói về tự do đi lại nhưng tôi lo rằng trong thâm tâm họ đang nghĩ đến bá quyền trên biển", bà Hoa nói.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông. Nước này tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng phi pháp trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Truyền thông Mỹ tuần trước công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam đã trao công hàm cho đại diện đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội để phản đối động thái xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng này. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành chính thức công hàm nói trên.
Nhật Bản cho rằng Trung Quốc đang tìm cách thay đổi tình hình, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất nhanh chóng và với quy mô lớn, xây dựng căn cứ ở khu vực, sử dụng cho các mục đích quân sự.
Australia kêu gọi Trung Quốc kiềm chế "quân sự hóa các đảo" để tránh xung đột, đồng thời bày tỏ lo ngại xảy ra kịch bản MH17 vì tên lửa của Bắc Kinh. Quân đội Philippines đã lên kế hoạch cho "trường hợp tồi tệ nhất" và đang theo dõi việc Trung Quốc điều tên lửa đến Hoàng Sa.
Như Tâm