Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua ngang nhiên cho rằng hoạt động trên các bãi cạn và vùng biển xung quanh ở Trường Sa là "hợp lý, chính đáng và hợp pháp", và thái độ của Bắc Kinh là "kiềm chế và có trách nhiệm", theo AP.
Ông Hồng phát biểu như trên bất chấp thực tế là một loạt các đá ở Trường Sa mà Trung Quốc đang xây dựng đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực, trong đó có những đá có vị trí chiến lược như đá Chữ Thập, Gạc Ma.
Tại đá Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc có quân đồn trú trái phép từ năm 2003. Bắc Kinh bắt đầu xây đảo nhân tạo, với quy mô hơn 70.000 m2 vào năm ngoái. Các tòa nhà chính trên đảo nhân tạo dường như có tháp phòng không, Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế của Mỹ tuần trước cho biết.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần kiên quyết phản đối, yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay việc cải tạo, xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng tại quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.
Trong phiên điều trần trước thượng viện tại Washington hôm qua, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đề cập đến việc Trung Quốc mở rộng tiền đồn, trong đó có thể có cả đường băng và bến đỗ tàu. Bình luận của ông thể hiện mối quan ngại của Mỹ đối với các hoạt động cải tạo đất. Những hoạt động này có thể làm dấy lên căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.
Ông Clapper mô tả tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 80% Biển Đông là "quá đáng".
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố có chủ quyền mang tính lịch sử đối với một vùng rộng lớn ở Biển Đông, chồng lấn với tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Philippines. Trung Quốc cũng phản đối hành vi nước này gọi là sự can thiệp của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp trong khu vực.
Trọng Giáp