Các hãng thông tấn lớn như CNN, Fortune hôm nay đồng loạt đưa tin về cuộc đối thoại chống tội phạm mạng giữa Trung Quốc và Mỹ tại Washington (Mỹ) đầu tuần này. Trong đó, đáng chú ý là việc Trung Quốc phủ nhận cáo buộc đứng sau các hacker xâm nhập vào hệ thống mạng thông tin của chính phủ Mỹ.
Các báo cáo cho thấy cuộc tấn công mạng thực hiện vào đầu tháng 6 vừa qua đã lấy đi lượng dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay của chính phủ Mỹ. Các hacker đã truy cập được vào hệ thống cơ sở dữ liệu an ninh điện tử của các cơ quan liên bang Mỹ lấy đi thông tin về địa chỉ, y tế, lịch sử tài chính và các chi tiết cá nhân khác của khoảng 21,7 triệu người, tương đương với 7% dân số nước Mỹ.
Các nhà điều tra Mỹ khi đó đã nghi ngờ vụ tấn công là do các tin tặc người Trung Quốc thực hiện và ngầm ám chỉ nhóm được chính phủ nước này tài trợ.
Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc cho rằng vụ hack trên chỉ là một hành vi phạm tội gây ra bởi một nhóm các hacker tự phát. Đây cũng không phải là một vụ tấn công an ninh mạng được nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, nguồn tin trên không đề cập đến phản ứng của Mỹ về tuyên bố này.
Cuộc họp tại Washington hôm qua của Mỹ và Trung Quốc nằm trong khuôn khổ vòng đàm phán đầu tiên sau việc ký kết hiệp ước chống tấn công mạng trong tháng 9 về "định mức chấp nhận được đối với các hoạt động gián điệp mạng".
Tuy nhiên, ngay trong tháng 10, hãng bảo mật Mỹ là Crowdstrike đã đưa ra báo cáo cho rằng các tin tặc có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc đã cố gắng thâm nhập vào ít nhất 7 công ty Mỹ ngay sau thời điểm hiệp định được ký kết.
Hoài Anh