
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho biết đường ống nối liền Ấn Độ Dương - Myanmar - Trung Quốc đã đi vào hoạt động. Một hệ thống song song vận chuyển dầu thô dự kiến bắt dầu trong năm sau.
Đường ống dẫn khí hoạt động mở ra một hành lang năng lượng mới, giúp Trung Quốc tiếp cận với mỏ khí ngoài khơi Myanmar và sẽ sớm cho phép vận chuyển dầu thông qua cảng biển. Hệ thống này cũng mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ cho chính phủ Myanmar nhờ có doanh thu bán khí tăng.
Wang Dongjin, Giám đốc PetroChina – công ty con của CNPC niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) nhấn mạnh: "Trong tương lai dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc sẽ không phải đi qua eo biển Malacca. Điều này có tính chiến lược quan trọng với đa dạng hóa nguồn cung và an ninh năng lượng quốc gia. Nguồn cung cấp khí thiên nhiên tương tự cũng không kém phần quan trọng".
Với công suất tối đa 12 triệu mét khối một năm, đường ống mới sẽ cung cấp khoảng 6% nhu cầu tiêu thụ khí đốt hằng năm tại Trung Quốc.
Đường ống mới dài 793 km được xây dựng trong 3 năm, nối cảng Kyaukpyu của Myanmar với thành phố Côn Minh (Trung Quốc). Khí thiên nhiên ngoài khơi quốc gia Đông Nam Á cũng như dầu thô từ Trung Đông sẽ được chuyển thông qua hệ thống cảng và các công trình công nghiệp quy mô lớn tại Kyaukpyu. Khoảng cách vận chuyển từ Trung Đông hay Châu Phi tới Trung Quốc sẽ giảm đáng kể nhờ không phải qua eo biển Malacca như cũ.
Tuy nhiên dự án 2,5 tỷ USD cũng gặp phải một số ý kiến trái chiều, bị chậm tiến độ và phải chạy qua phía Bắc Myanmar, nơi xảy ra tranh chấp giữa các dân tộc thiểu số. Zha Daojiong, chuyên gia về an ninh năng lượng tại Đại học Peking nói: "Tôi không thấy thuyết phục khi lập luận về vấn đề eo biển Malacca. Trên lý thuyết nếu có các thế lực muốn ngăn cản tàu chở dầu, tại sao chỉ tập trung tại Malacca? Đã có một số nghi ngại về dự án này cho nên CNPC muốn nhấn mạnh tới tính chiến lược khi phản hồi các chỉ trích".
Quan hệ giữa Trung Quốc và nước láng giềng Myanmar đã có những dấu hiệu trục trặc trong hai năm qua. Đây là thời gian Myanmar bắt đầu mở cửa và ngày càng bắt tay nhiều hơn với những nhà đầu tư ngoài Trung Quốc. Chính phủ Myanmar đã tạm dừng dự án đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD của Trung Quốc vào năm 2011. Năm ngoái Myanmar cũng đã thâu tóm đa số cổ phần tại mỏ đồng của đối tác này mà trước đó đã vấp phải nhiều cuộc biểu tình phản đối.
Lê Anh