"Trung Quốc đã đưa ra những phản bác nghiêm khắc với Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi hy vọng những người Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan biết phân biệt phải trái và sửa chữa sai lầm của họ", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua cho biết.
Phát biểu được bà Hoa đưa ra sau khi Ankara hôm 9/2 cáo buộc Bắc Kinh "bắt tùy tiện, tra tấn và tẩy não hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ". Ankara còn lên án Bắc Kinh vì "cái chết bi thảm" của nhà thơ kiêm nhạc sĩ người Duy Ngô Nhĩ Abdurehim Heyit khi đang bị giam ở khu vực Tân Cương.
Bà Hoa gọi những bình luận này là "hèn hạ", đồng thời kêu gọi Ankara rút lại "các cáo buộc sai trái". Trước đó, Trung Quốc cũng công bố đoạn video cho thấy một người đàn ông tự nhận là Heyit nói rằng mình vẫn còn sống và khỏe mạnh.
Một nhóm chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ và một số nhóm người thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị dồn vào "các trại cải huấn" ở khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc. Hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc chủ yếu sinh sống tại khu vực này.
Tân Cương cách Thổ Nhĩ Kỳ hàng nghìn km, nhưng người Duy Ngô Nhĩ và người Thổ Nhĩ Kỳ có ngôn ngữ và văn hóa rất gần gũi do cùng là những nhóm sắc tộc gốc Thổ. Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Hồi giáo khác hầu như không lên tiếng về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, có thể do lo ngại ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao hoặc kinh tế với Trung Quốc.
Bắc Kinh từng nhiều lần bác bỏ các báo cáo của Liên Hợp Quốc về vấn đề Tân Cương, khẳng định họ mở các "trung tâm đào tạo nghề" nhằm đề phòng chủ nghĩa khủng bố, giúp người Duy Ngô Nhĩ hòa nhập với xã hội. Quan chức ở Tân Cương cũng khẳng định những người tới các trung tâm đã trở nên "tốt đẹp hơn".