Zhao Zuohai chịu 11 năm tù oan ở Trung Quốc. Ảnh: Independent.co.uk. |
Những quy định mới được đăng trên trang web chính phủ hôm 30/5. Văn bản nêu rõ những bằng chứng có nguồn gốc không rõ ràng, các lời thú tội, lời khai được lấy bằng vũ lực, tra tấn và đe dọa, đều không có giá trị.
"Việc bằng chứng có được qua các biện pháp bạo lực, tra tấn từ lâu đã là vấn đề gây tranh cãi ở Trung Quốc. Đây được coi là bước đi lớn của chính phủ", Fan Yu, giáo sư luật tại Đại học Nhân dân, phát biểu.
Những quy định mới đặc biệt quan trọng đối với các vụ án tử hình. "Án tử hình một khi đã thực hiện sẽ không thể đảo ngược. Bất cứ một sai sót nhỏ nào cũng có thể lấy đi nhiều mạng người", giáo sư Yu nói.
Theo AP, hàng năm, Trung Quốc xử tử nhiều người hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Tổ chức ân xá quốc tế ước tính Trung Quốc đã tử hình ít nhất 1.718 người trong năm 2008.
Năm 2008, tòa án cấp cao của Trung Quốc cho biết 15% các phán quyết tử hình của tòa án cấp dưới bị phát hiện là có khúc mắc, China Daily hôm qua cho hay.
Việc cảnh sát Trung Quốc thường xuyên sử dụng vũ lực khi thẩm vấn đã tồn tại từ lâu nhưng vấn đề chỉ trở thành trung tâm sự chú ý vào đầu tháng này.
Zhao Zuohai, 57 tuổi, một tội phạm giết người ở tỉnh Hà Nam, được thả sau 11 năm trong tù do nạn nhân của anh ta được phát hiện còn sống. Zhao sau đó khai rằng anh bị cảnh sát đánh đập và làm cho mất ngủ trong quá trình thẩm vấn. Em của Zhao nói rằng cảnh sát cho anh này uống nước có tương ớt và đốt pháo trên đầu để buộc anh thú tội.
Zhao nhận được khoản tiền bồi thường từ chính phủ là 96.000 USD. Ba cảnh sát được cho là đã tra tấn Zhao đã bị bắt. Thẩm phán chính trong vụ việc cũng bị đình chỉ công tác chờ điều tra thêm.
Hải Minh