Nhiều vị phụ huynh sử dụng bạo lực để phạt con. Ảnh minh họa: Imageshack.us. |
Sau khi sinh 3 cô con gái mới cố được quý tử, anh Quảng rất vui mừng và không tiếc tiền đầu tư cho con học hành, dù gia đình cũng nghèo túng. Thế nhưng, từ nhỏ, con trai anh đã nghịch ngợm và học kém. Phải vất vả lắm mới đôn đốc cho con vào được cấp 3 nhưng anh Quảng lại thêm đau đầu vì từ khi vào lớp 10 cậu con trai anh hay theo bạn bè đi đánh điện tử, bỏ học, bỏ thi.
Đã nhiều lần mắng, đánh mà con không thay đổi, lại thêm bực tức, xấu hổ vì mới được cô giáo chủ nhiệm gọi lên thông báo quyết định đuổi học do nghỉ quá số buổi và bỏ mấy môn thi của cậu con, anh Quảng đùng đùng lôi con vào chuồng trâu rồi khóa cửa lại. "Bao giờ mày biết nghĩ, xin tao, hứa là không chơi điện tử nữa thì tao thả ra", anh đe con.
"Tháng trước chỗ này nhà tôi vẫn dùng để nuôi trâu, bò, nhưng mới bán. Ở đó ngay sát chuồng lợn, mùi hôi thối, lại nhiều muỗi. Thế mà...", vợ anh Quảng sụt sùi kể. Chị cho biết, suốt hai ngày, cậu con trai ở nơi hôi thối, bị muỗi đốt đầy người, lại bị đói nhưng vẫn không thèm nói năng gì. Đến cuối ngày thứ 2 thì chị xót ruột quá không chịu được đành lén chồng mang đồ ăn, nước uống ra cho con rồi nhờ các chú bác đến thuyết phục anh từ bỏ hình phạt "độc" này.
Sau khi được thả ra, cậu con trai anh Quảng bỏ học luôn và cứ sểnh lúc bố mẹ không để ý là trốn đi chơi với đám bạn xấu. Bất lực quá với con, anh Quảng chỉ biết cố giữ cháu ở nhà rồi đợi đến khi con đủ 18 tuổi để "tống" vào quân đội.
Dù hiện tại đã là một học sinh giỏi và chuẩn bị thi đại học nhưng Nam (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) vẫn không thể quên những trận đòn và hình phạt của bố mẹ dành cho mình mấy năm trước.
Nam kể, hồi nhỏ, cậu khá ngoan và có thành tích học tập tốt. Lên cấp hai, do bị một nhóm bạn xấu rủ rê, bố mẹ lại bận việc làm ăn, ít ngó ngàng đến, nên Nam lơ là việc học, thậm chí vài lần đã lấy trộm tiền của bố mẹ để đãi bạn. Mỗi lần phát hiện con trộm tiền, bố mẹ Nam đánh con nhừ tử và mắng nhiếc cậu thậm tệ. Thế nhưng, Nam vẫn không chịu nghe lời mà ngày càng tỏ ra lỳ lợm hơn.
Tức giận, có lần, bố Nam đã dùng một chiếc xích chó xích con vào chân giường, không cho đi đâu và chỉ để một cái bô bên cạnh. Mấy ngày sau, khi cô giáo chủ nhiệm biết chuyện, tìm tới nhà khuyên ngăn thì bố mẹ Nam mới chịu thả con ra. Nhưng khi ấy, Nam cũng chẳng tỏ ra sợ hãi gì mà thản nhiên nói với cô: "Con không sao đâu cô ạ, cô không đến thì vài ngày nữa họ cũng phải tháo ra cho con thôi chứ xích mãi được đâu".
Sau này, nhờ được sự động viên, hỗ trợ tận tình của cô giáo cùng nhóm bạn tốt trong lớp, cùng với sự thay đổi với bố mẹ sau khi được nhà trường thuyết phục, Nam đã dần tiến bộ trong học tập. Tuy nhiên, cậu bé vẫn bị ám ảnh bởi những đòn roi trong quá khứ, và ít khi trò chuyện, tâm sự gì với bố mẹ.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile House cho biết, những hình phạt kiểu nhục hình, bạo lực để lại hậu quả xấu cho mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái mà còn tác động rất tiêu cực đến trẻ.
Theo bà, việc này sẽ tôi luyện sự lỳ lợm ở trẻ. Có những em bé thường xuyên chịu bạo lực từ gia đình đã thổ lộ với chuyên gia rằng: "Giờ cháu chẳng sợ đòn, trước mỗi lần bị đánh cháu đều chuẩn bị tâm lý sẵn để hứng chịu rồi".
Những hình phạt trên còn thui chột lòng tự trọng của trẻ, khiến các em không còn tôn trọng chính mình và những người xung quanh, dẫn đến những hành vi nằm ngoài chuẩn mực chấp nhận. Đôi khi, thái độ và những hành động thái quá của bố mẹ cũng gây sang chấn tâm lý cho trẻ.
Trường hợp của cháu Trà Mi (Trường Chinh, Hà Nội) là một ví dụ. Đưa con đến điều trị tại phòng khám rối nhiễu tâm trí Tu Na (phố Vọng, Hà Nội), chị Bích, kể, cháu Mi - con gái chị, trước đây là cô bé khá ngoan, chỉ có điều, cháu hay nói chuyện trong lớp và lười học nên kết quả học tập kém và hay bị cô giáo phàn nàn. Là một thạc sĩ kinh tế, chồng chị cảm thấy xấu hổ với điều này và rất hay mắng con, thậm chí có lần tát cháu. Thế nhưng, vì lực học vốn đã đuối, nên Mi chẳng thể mau chóng tiến bộ.
Cuối cùng, biết con rất sợ trời tối, bố cháu đã nghĩ ra một hình phạt cho con mỗi lần cháu bị điểm kém hay bị cô giáo phê bình: nhốt cháu vào phòng kín, tối om, mặc kệ cho con kêu cứu, khóc lóc.
"Sau nhiều lần như thế, con gái tôi chẳng học hành khá hơn, mà lại trở nên ngu ngơ, hay sợ hãi, nhút nhát, chẳng chơi với bạn nào trong lớp, rất tự ti vào bản thân", chị Bích ngậm ngùi. Khi bác sĩ tâm lý cho biết cô con gái học lớp 5 của mình bị rối nhiễu tâm lý, chị không ngạc nhiên mà chỉ thấy đau xót.
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy cho biết, có rất nhiều cách để giúp trẻ được gọi là "hư" sửa đổi.
Đầu tiên, bố mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân xem vì sao con lại có những hành vi đó. Nhiều trẻ làm vậy do bị ảnh hưởng từ môi trường sống, bị bạn bè lôi kéo, hay có thể do không được bố mẹ uốn nắn từ nhỏ, hoặc không được người lớn quan tâm. Khi đó, trẻ cần được bố mẹ giúp đỡ để tìm thấy hướng đi đúng. Tuy nhiên, nếu bị phạt theo kiểu trừng trị thì trẻ sẽ không còn nhìn thấy điểm sáng để đi theo nữa.
"Mỗi hành vi tiêu cực của trẻ đều có cách riêng để uốn nắn, quan trọng là bố mẹ cần làm điều đó bằng lòng yêu thương và sự hiểu biết", nhà giáo chia sẻ.
Bà cho rằng, thực ra, đa số các trường hợp, khi phải đánh con, chính các bậc phụ huynh cũng rất khổ tâm. Bản thân họ luôn mong con ngoan, vươn lên và khi cảm thấy bất lực họ mới phải dùng đến đòn roi hay các biện pháp thiếu nhân văn. Thực tế, bản thân những người làm bố, làm mẹ này cũng cần được giúp đỡ.
"Các đoàn thể, cơ quan, khi thấy trẻ bị bạo lực, bị xâm hại quyền trẻ em, thì cần can thiệp sớm, nhưng đồng thời cũng cần giúp các bậc phụ huynh nhận thức được vấn đề, chứ không chỉ lên án họ", bà Thủy bày tỏ. "Bởi thực tế, họ làm vậy vì không nhận thức được rằng đánh trẻ là vi phạm nhân quyền, và đồng thời cũng vì họ đã bất lực trong cách giáo dục con của mình", bà nói.
Tuy nhiên, theo bà, những hành vi phi nhân tính như kiểu tưới dầu đốt tay con vì con ăn cắp, hay dùng sắt nung lửa đánh con... như truyền thông từng đưa tin thì không có lý do gì để cảm thông.
Vương Linh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi