From: Trung Nguyen
To: thegioi@vnexpress.net
Sent: Friday, February 28, 2003 3:14 AM
Subject: My - Iraq: the nao la thong tin 2 chieu?
Kính chào quý vị,
Một vài tuần nay, tôi có lưu ý về vấn đề thú vị này, và thấy nảy ra câu hỏi "thế nào là thông tin nhiều chiều?". Nay, muốn góp đôi lời vào thảo luận nói chung, và về câu hỏi trên nói riêng.
Trước hết, xin nêu một tiên đề. Đó là Iraq chắc chắn từng sở hữu vũ khí huỷ diệt hàng loạt. Vấn đề là hiện nay có còn hay không? Thế giới nghi ngờ điều này, nên việc thanh sát và giải giáp (nếu còn) là chuyện hiển nhiên, và đã đạt được sự thống nhất cao độ của cộng đồng quốc tế, thông qua nghị quyết 1441.
Tranh luận của chúng ta cơ bản xoay quanh việc liệu dùng vũ lực có phải là giải pháp hợp lý hay không. Phần lớn các bạn phản đối Mỹ dựa trên thông tin 1 chiều mà các bạn thu lượm được. Nay, tôi xin kính mời các bạn chăm chú lắng nghe một phần của chiều thông tin còn lại, thông qua những lời tranh luận lại dường như mang tính "thân Mỹ" sau đây:
Có một số người phản đối thanh sát, với lý lẽ rằng Mỹ cũng có vũ khí huỷ diệt, nghe thật nực cười. Mỹ có loại vũ khí đó không? Xin thưa rằng có. Vì sao? Vì lý do lịch sử. Trong thế chiến II, phe phát xít ra sức nghiên cứu vũ khí nguyên tử hòng đe doạ sự tồn vong của nhân loại. Do đó, các nước đồng minh cũng phải chạy đua trong lĩnh vực này.
Đến thời chiến tranh lạnh, lại nổ ra cuộc chạy đua vũ trang giữa 2 phe, cho nên kho vũ khí huỷ diệt của Mỹ, và cả Nga, ngày càng đầy thêm. Nhưng loài người đã bừng tỉnh, đã cho ra đời hàng loạt các luật cấm phổ biến vũ khí huỷ diệt, rồi đến các hiệp ước song phương Nga - Mỹ về cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhằm đạt thế cân bằng chiến lược và giảm hiểm hoạ cho loài người... Các hiệp ước này đã dẫn đến việc thực thi nghiêm túc trong quản lý vũ khí hạt nhân, và phá huỷ các vũ khí chiến lược theo kế hoạch của Mỹ, dưới sự giám sát của Nga và quốc tế và ngược lại.
Như vậy, vũ khí của Mỹ có lý do lịch sử, và nay đã nằm dưới sự giám sát của các hiệp ước, nên được coi là các vũ khí "hợp pháp". Không có ai trong bất kỳ hội nghị hay tổ chức quốc tế nào lại đi hoạnh hoẹ về vấn đề này. Hơn nữa, vũ khí của Mỹ nằm trong hệ thống quản lý minh bạch và chặt chẽ, không bao giờ có chuyện dính dáng đến khủng bố và đe doạ nhân loại.
Còn vũ khí của Iraq là bất hợp pháp, được ngấm ngầm phát triển ngoài vòng luật pháp quốc tế, trong bối cảnh thế giới không có lý do gì để phát triển thêm loại vũ khí chết người này. Hơn nữa, vũ khí này từng được đem ra sử dụng để đàn áp người Kurd (chắc mọi người đã xem những bức ảnh và những thước phim kinh hoàng về việc người thiểu số này bị tàn sát bằng vũ khí hoá học rồi chứ. Thật nực cười nếu ai đó còn vin cớ rằng Mỹ cũng có vũ khí huỷ diệt nên đối xử với Iraq như vậy là bất công, sao không "thanh sát vũ khí của Mỹ"?
Lại có một số người đưa ra những quan điểm về chiến tranh lạnh, như Mỹ là "đế quốc" đi "xâm lược". Vậy thì xin hỏi việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan, lật đổ chính quyền Taliban hà khắc ủng hộ khủng bố cũng là đế quốc, là xâm lược? Việt Nam đưa quân vào Campuchia, giải phóng nhân dân khỏi ách diệt chủng, cũng là xâm lược? Liên quân LHQ 14 nước do Mỹ dẫn đầu tiến vào giải phóng Hàn Quốc, để nước này trở nên văn minh, giàu mạnh, tự do và dân chủ như ngày nay, cũng là xâm lược? Lại nữa, việc Nga đưa quân vào Afghanistan, dựng nên chính quyền thân Xô Viết, để rồi bị nhân dân chống trả mãnh liệt, thiệt hại nặng phải rút lui, có phải là đế quốc không, xâm lược không?
Việc Nga thâu tóm hết cả mười mấy nước lân bang, áp đặt tư tưởng và hành chính vào chung một liên bang, ép Mondavia vào Liên Xô, bắt phải từ bỏ bản ngữ Rumani để nói tiếng Nga, có phải là đế quốc không, xâm lược không? Việc Nga ký hiệp ước phân chia Ba Lan với Đức ngay trước thế chiến 2, để tiến quân vào Ba Lan, rồi bắt hàng vạn binh lính sỹ quan Ba Lan đi đày tại các vùng khắc nghiệt, để rồi hàng ngàn người chết vì kiệt quệ hoặc bị thủ tiêu bí mật, có phải là đế quốc không, xâm lược không? Việc Nga đưa quân vào Hungary năm 1956, vào Tiệp Khắc năm 1968 để đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân các nước này, có phải là đế quốc không, xâm lược không? Việc Bắc Triều Tiên mang quân xuống Hàn Quốc năm 1950 có phải là xâm lược không?
Lại tiếp tục một quan điểm "chiến tranh lạnh" khác nữa, rằng các cuộc viễn chinh của Mỹ nhằm xây dựng nên các chính quyền tay sai bù nhìn để Mỹ lũng đoạn. Nếu tay sai, bù nhìn được như Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Afghanistan - trong đó nhất là Pháp, Đức, nơi mà 34 vạn thanh niên Mỹ đã ngã xuống trong thế chiến thứ 2 vì tự do cho các xứ sở này, để bây giờ họ thành các cường quốc tự chủ, có quan điểm và chính kiến riêng đối nghịch với Mỹ. Hay như Hàn, được giúp đỡ quân sự, thoát khỏi sự kiềm toả để bây giờ so sánh thấy rõ với người anh em phương Bắc; hoặc như Afghanistan, được can thiệp bằng vũ lực để khỏi gông cùm Taliban - thì trộm nghĩ rằng Iraq chắc cũng cần một chính quyền "tay sai, bù nhìn" như thế.
Có người nói rằng Iraq là một quốc gia "độc lập, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ", rằng Mỹ "không được phép can thiệp vào công việc nội bộ của Iraq". Ngày nay đang có xu thế toàn cầu hoá, thế giới dần hoà mình lại làm một, các đường ranh giới trên nhiều lĩnh vực đang dần nhoà đi, thì nước nào tự cô lập mình, nước đó sẽ lãnh hậu quả tụt hậu. Không những thế, nếu nước đó còn đe doạ hoà bình, vi phạm nhân quyền, đàn áp người đối lập,... thì cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng.
Cái luận điệu trên dường như khá hiệu quả dùng để che đậy, làm bình phong né tránh búa rìu dư luận thế giới. Nhưng khi có những kẻ giết người thân, bơm hơi ngạt, tra tấn, thủ tiêu những người bất đồng chính kiến, dùng vũ khí hoá học tàn sát hàng vạn người thiểu số vô tội,... thì lúc đó có còn là công việc nội bộ nữa không, quốc tế có không được phép can thiệp nữa không?
Lại có người nguỵ biện "công việc của Iraq, để người Iraq tự giải quyết". Bị đè nén dưới hàng loạt các phương tiện tuyên truyền và chính sách ngu dân tinh vi, xảo quyệt, bưng bít và giấu nhẹm hết thông tin bên ngoài, kết hợp với một bộ máy đàn áp khổng lồ và tàn bạo, thử hỏi liệu nhân dân Iraq có tự giải quyết được không? Nếu được thì đến bao giờ, với cái giá phải trả là bao nhiêu? Tương tự như vậy, liệu nhân dân tiến bộ của Đức, những người không bị u mê mù quáng, có tự giải quyết được chế độ độc tài Hitler không? Liệu nhân dân Afghanistan, nơi có cả một lực lượng quân sự đối lập tương đối mạnh ở phương Bắc, có tự giải quyết được chế độ Taliban hà khắc không? Liệu nhân dân Campuchia có tự giải quyết được chế độ Khmer đỏ tàn bạo không? Nếu được thì là đến bao giờ, với cái giá là bao nhiêu?
Cũng trong cuộc tranh luận này, có người kể lể chuyện lịch sử đất đai, rằng Kuwait vốn thuộc lãnh thổ cũ của Iraq. Không hiểu có phải ngầm bao biện rằng Iraq đem quân vào Kuwait không phải là hoàn toàn vô lý? Thế thì bây giờ Đức đòi một phần lớn lãnh thổ của Pháp, Tây Ban Nha đòi trọn cả bang California, Mexico đòi hết cả bang New Mexico, Nga đòi lại Alaska, Campuchia đòi lại cả miền Nam Việt Nam,... cũng không phải là vô lý ư?
Những bài học xương máu về quan hệ quốc tế đầy ra đấy. Nếu Châu Âu đồng tâm ra đòn trước, triệt hạ chính quyền Đức Quốc Xã ngay từ trong trứng nước, thì liệu có xảy ra đại chiến thế giới thứ 2 tàn khốc nhất lịch sử nhân loại với 50 triệu nạn nhân không? Hay ngay trong lịch sử nước nhà, nếu Lý Thường Kiệt không ra đòn trước, san phẳng thành hậu cần Ung Châu trên đất Tống, thì liệu có thể có chiến thắng oanh liệt trên sông Như Nguyệt không? Những kinh nghiệm quý giá đó cần chứng cứ rõ ràng đến mức nào? Phải chờ thêm một ngày 11/9 nữa mới đủ bằng chứng ra tay ư?
Tất nhiên, đối với những vấn đề phức tạp, luôn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược. Việc hàng triệu người khắp thế giới xuống đường tuần hành phản đối chiến tranh mấy tuần qua là hết sức bình thường. Nhưng một số phương tiện thông tin chỉ nhấn mạnh đến điều này, làm nhiều người lầm tưởng chính phủ các nước Anh, Mỹ đang theo đuổi chính sách diều hâu đi ngược lại ý nguyện của tất cả nhân dân. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Ở các nước dân chủ này, nếu lực lượng phản đối chính sách thực sự lớn hơn, thì liệu chính quyền có tiến hành chính sách đó được không? Liệu Mỹ có thể tiếp tục theo đuổi lâu dài chiến tranh Việt Nam được không, khi đi ngược lại ý nguyện của đa số nhân dân? Liệu NATO có thể tiến hành chiến dịch "lá chắn đồng minh" năm 1999, cảnh cáo độc tài Milosevic, giúp lực lượng dân chủ Nam Tư hạ bệ ông này trong bầu cử sau đó được không, nếu không được sự ủng hộ của đa số nhân dân các nước này thời điểm đó?
Thực ra, các nước phương Tây là các nước dân chủ, nơi có tự do ngôn luận, tự do bất đồng chính kiến nên có một bộ phận dân chúng phản đối chính sách của chính phủ bằng phương pháp xuống đường biểu tình hoà bình, treo các biểu ngữ "No War" trước nhà,... và họ hết sức được tôn trọng. Điều đó không có nghĩa rằng họ đại diện cho đa số nhân dân, và quan điểm của những người biểu tình luôn luôn đúng.
Dựa vào các lý lẽ trên, lại có ý kiến nguỵ biện rằng như vậy Saddam đúng, bởi ông ta hành động theo "ý nguyện" nhân dân, luôn được sự ủng hộ tuyệt đối từ quần chúng. Thử hỏi Iraq có dân chủ không? Với bộ máy khủng bố, kìm kẹp bạo tàn như vậy, có ai dám lên tiếng phản đối không? Nếu điều tra ý kiến nhân dân về chính sách của chính quyền Đức quốc xã được thực hiện, liệu có bao nhiêu phần trăm bất đồng? Tương tự như vậy với chính quyền Taliban, liệu có bao nhiêu phần trăm nhân dân phản đối? Giống như thế, nếu tiến hành điều tra ở Campuchia dưới thời Khmer đỏ, sẽ có bao nhiêu ý kiến bất bình? Câu trả lời quá đơn giản.
Một số người mang nặng thành kiến với Mỹ, phát biểu nhiều điều rất khó nghe. Tất nhiên, hầu hết các nước đều có mặt xấu, mặt tốt; nhưng thành kiến dường như đã làm họ mờ mắt. Họ có biết ai đóng góp nhiều nhất cho LHQ? Ai đóng góp nhiều quân nhất cho lực lượng gìn giữ hoà bình quốc tế? Ai cung cấp đến 60% lượng viện trợ nhân đạo của thế giới? Ai tăng viện trợ cho không châu Phi hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi năm cho công cuộc đẩy lui đại dịch AIDS? Tất nhiên, trong những việc làm trên, đều phải có tính toán đến lợi ích quốc gia (đây là chuyện đương nhiên), nhưng đừng có bẻ cong rằng tất tần tật các việc tốt đó đều là phục vụ các mưu đồ đen tối. Nếu như thế thì trên đời này hầu như không bao giờ tồn tại những việc làm được gọi là cao thượng. Cũng nói thêm rằng Mỹ là nước được nhiều chính phủ ủng hộ nhất thế giới, trong đó có rất nhiều kẻ cựu thù (như Hungary, Rumani, Ba Lan, Bulgaria, cộng hoà Czech...). Tổng thống Mỹ đi đến đâu, so với nguyên thủ quốc gia các nước khác, vẫn là người được nhân dân chào đón nồng nhiệt nhất.
Có người lại nói rằng chính quyền Mỹ hoàn toàn bị tài phiệt thao túng, chuyên lừa phỉnh nhân dân. Tất nhiên, có những giai đoạn cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể, với các điều kiện cụ thể, chính quyền nói một đằng, làm một nẻo (mà có lẽ chính quyền tất cả các nước trên thế giới đều như thế), nhưng không phải vì thế mà có thể khái quát hoá lên, cho rằng đó là đặc tính tiêu biểu của chính quyền Mỹ. Trong một đất nước có dân trí cao, với khoảng 80% người từng ngồi ở giảng đường ĐH, CĐ, đóng góp đến hơn một nửa số giải thưởng Nobel cho nhân loại, nơi mà mỗi chính quyền đều do chính từng công dân thực sự tham gia bầu nên, mà chính quyền cứ loè bịp nhân dân, coi nhân dân như đàn vịt ngoan ngoãn, bảo gì nghe nấy được mãi sao?
Việc bất kỳ một chính sách nào của nhà nước cũng luôn có ý kiến phản đối công khai là một bằng chứng rõ ràng phủ nhận quan điểm đó. Và chính cái chính quyền "lừa đảo" đó đã góp phần tạo ra một xã hội vào loại năng động nhất, giàu nhất, một nơi vào loại có nhiều cơ hội và điều kiện cho hầu hết người dân bình thường phấn đấu và thăng tiến, và trở thành một nhà "tài phiệt", nếu có đủ tài năng, nghị lực và may mắn. Và thực tế đã cho thấy rằng phần lớn các nhà "tài phiệt" Mỹ là xuất thân từ bình dân, trong một đất nước mà chính quyền "bị tài phiệt lũng đoạn, chuyên lừa đảo nhân dân".
Tóm lại, trong vấn đề Iraq, một giải pháp cứng rắn là cần thiết; đôi khi, để bảo vệ hoà bình, chúng ta cần cầm súng. Chiến dịch quân sự sẽ được đi kèm với chiến dịch nhân đạo, với sự hỗ trợ tối đa của cộng đồng quốc tế về y tế, thuốc men.
Chúng ta cầu nguyện và sẽ gắng làm tất cả để thường dân Iraq tránh được tên bay, đạn lạc, để thiệt hại cho người vô tội giảm xuống mức tối thiểu. Và ta tin tưởng rằng các loại vũ khí công nghệ cao thông minh của lực lượng đồng minh sẽ góp phần quan trọng nhằm đạt mục tiêu này. Những kẻ xấu xa nào nấp sau lưng, lấy nhân dân làm bia đỡ đạn, lợi dụng các lá chắn sống mù quáng cần phải bị đưa ra xét xử vì tội ác chống lại nhân loại và phải bị trừng trị thích đáng.
Đây là một ý kiến tranh luận mang tính trái ngược như vậy, các bạn nghĩ sao?
Xin chân thành cảm ơn quý báo.
Nguyễn Quốc Trung.