Ngày 23/11, tập đoàn Trung Nguyên Legend chính thức khai trương văn phòng đại diện tại Thượng Hải (Trung Quốc). Sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới của thương hiệu cà phê Việt trong hành trình 14 năm chinh phục sân nhà và thế giới.
Tháng 12/2013, lần đầu G7 có mặt trên kệ hàng các siêu thị lớn tại Mỹ. “Đó là một dấu mốc không thể nào quên”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, người sáng lập Trung Nguyên Legend từng chia sẻ. Cái tên G7 được đơn vị đặt khi đó là nhằm đại diện cho khát vọng chinh phục các thị trường lớn, trong đó phải kể đến nhóm G7 với các quốc gia phát triển trên thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Canada, Đức và Italy.
Lý do Trung Nguyên Legend chọn Mỹ là điểm đến đầu tiên bởi đây là trung tâm kinh tế của thế giới, cũng là thị trường khó tính, khắt khe và nhiều rào cản nhất. Đây sẽ là bước đệm kiểm định chất lượng để họ tiến đến các thị trường khác.
Cùng năm, Trung Nguyên Legend đồng loạt cho xuất khẩu G7 sang các thị trường khác như Canada, Nga, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Đến nay, thương hiệu đã phủ sóng tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến hết năm 2016, G7 đã cung ứng gần 16 tỷ ly cà phê đến khách hàng toàn cầu.
Chỉ trong vài năm, những hình ảnh của thương hiệu cà phê Việt bắt đầu xuất hiện hàng loạt trên các trang bán hàng trực tuyến nổi tiếng như Amazon, eBay (Mỹ) hay Alibaba, Taobao.com, Tmall.com, Yihaodian.com, jd.com (Trung Quốc).
Trung Quốc hiện là thị trường lớn của Trung Nguyên Legend. Ngoài các trang thương mại điện tử nổi tiếng, thương hiệu G7 cũng hiện diện tại trên 1.000 siêu thị ở quốc gia này. Theo đại diện công ty, trong hai năm 2016-2017, doanh thu từ thị trường đông dân nhất thế giới, bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan, ước tính đạt hơn 30 triệu USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm dự đoán đạt 30%. Mục tiêu của tập đoàn Trung Nguyên tại thị trường này là 1,6 tỷ USD.
Theo Euromonitor International, lượng tiêu thụ cà phê tại quốc gia đông dân nhất thế giới giai đoạn 2014-2019 có mức tăng trưởng 18%. Dung lượng thị trường cà phê ước đạt khoảng 70 tỷ NDT, tương đương 9 tỷ USD trong năm 2016. Ngoài ra, cộng đồng Hoa kiều cũng là đối tượng thương hiệu này nhắm đến, với tiềm năng 50 triệu người sinh sống và làm việc trải dài khắp các châu lục.
Ông Richard Khoo Hye Koon, Giám đốc Tiếp thị và Kinh doanh quốc tế của Trung Nguyên Legend giải thích, Thượng Hải được lựa chọn bởi có vị trí chiến lược quan trọng với nhiều hoạt động thương mại nhộn nhịp. “Qua đây sẽ giúp kết nối các sản phẩm của chúng tôi với tất cả các vùng miền của Trung Quốc và lan tỏa ra thế giới, nhờ đó tiếp cận nguồn khách hàng rộng lớn hơn”, ông nói.
Trước đó, tập đoàn Trung Nguyên Legend đã phát triển mạng lưới nhà phân phối, đối tác tại Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch và tham gia vào nhiều hội chợ triển lãm quốc tế lớn tại đây. Dự kiến trong thời gian tới, đơn vị sẽ mở nhà máy sản xuất cà phê tại quốc gia này, cũng là nhà máy đầu tiên của họ đặt bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. “Bước đi nhằm đón đầu với xu hướng phát triển của thị trường Trung Quốc và lợi thế về nguồn lực tại đây”, đại diện đơn vị cho biết.
G7 ra đời vào năm 2003, khi thị trường cà phê hòa tan Việt Nam là sân chơi của các đại gia nước ngoài. Xuất phát điểm từ con số 0 về mọi mặt từ nhà máy, hệ thống phân phối, thương hiệu, nguồn lực tài chính đến sự ủng hộ hợp tác của các thương hiệu lớn, người sáng lập tập đoàn Trung Nguyên Legend và đồng sự từng bước gầy dựng danh tiếng cho cà phê Việt tại sân nhà và trường quốc tế.
Trong thời gian tới, đơn vị hướng đến chinh phục các thị trường cà phê cao cấp khác như Dubai, Pháp, Anh…
Trương Sanh