Nội dung trên nêu tại đơn kiến nghị của Tập đoàn Trung Nam gửi Thủ tướng đầu tháng 4. Trung Nam là doanh nghiệp đa ngành, trong đó năng lượng là mảng chủ chốt với nhiều nhà máy thủy điện và các dự án năng lượng tái tạo, đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.
Nhưng một số dự án điện của doanh nghiệp này đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý. Điển hình, dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận kết hợp đầu tư trạm biến áp và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, do Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (thuộc Trung Nam) làm chủ đầu tư.
Dự án này có phần công suất 172 MW bị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định). Bởi, trong 172 MW có 86 MW trên diện tích đất (khoảng 108 ha) được chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định pháp luật, tức đất chưa được chấp thuận, chưa đánh giá tác động môi trường, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Tới tháng 10/2023, phần công trình nhà máy điện trên diện tích 108 ha của Trung Nam đã được Bộ Công Thương nghiệm thu trên cơ sở các xác nhận điều kiện về phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, hợp đồng thuê đất dự án... để đưa vào khai thác, sử dụng.
Trong đơn gửi Thủ tướng, Trung Nam cho biết, nhà máy điện mặt trời này đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng doanh thu từ nguồn phát điện. Cụ thể, sản lượng điện phát lên lưới từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2022, khoảng 687 triệu kWh thuộc phần công suất 172 MW, chưa được EVN thanh toán. Phần sản lượng này tương đương 813,6 tỷ đồng được tạm xác định theo khung giá điện của các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp.
Theo chủ đầu tư này, họ đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá bằng 40% mức giá khung với các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp, nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính nhưng chưa được giải quyết.
Trung Nam thừa nhận vướng mắc là dự án được xây dựng trên ba xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, huyện Thuận Nam nhưng giấy phép hoạt động điện lực chỉ thể hiện ở xã Phước Minh. Do vậy, từ tháng 10/2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh. Tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo chủ đầu tư, việc thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến họ không thể đảm bảo nguồn kinh phí để vận hành, bảo trì hệ thống truyền tải 500 kV Thuận Nam.
Nhà đầu tư cho biết sau gần 4 năm đi vào vận hành, các thiết bị của hệ thống truyền tải 500 kV hoạt động liên tục có thể hư hỏng. Bởi, ngoài truyền tải nguồn điện từ dự án Trung Nam, đường dây còn giúp giải tỏa công suất cho toàn bộ các dự án năng lượng khác trong khu vực, gồm Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, công suất 1.432 MW.
"Các thiết bị hoạt động công suất cao có nguy cơ hư hỏng và cần được thay thế", chủ đầu tư cho hay. Họ thêm rằng việc không có kinh phí để đầu tư, mua sắm vật tư dự phòng, thay thế thiết bị hư hỏng sẽ dẫn tới sập hệ thống truyền tải, gây thiệt hại nặng về kinh tế, gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư BOT Vân Phong.
Nhằm tránh nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng, công ty kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo EVN thanh toán đầy đủ doanh thu phát điện, hỗ trợ chủ đầu tư gỡ khó về tài chính, đảm bảo đủ kinh phí vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam.
Trước đơn cầu cứu khẩn cấp của chủ đầu tư Trung Nam, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương giải quyết theo đúng quy định, báo cáo trước ngày 5/5.
Phản hồi lại Trung Nam, đại diện EVN cho biết, thời gian qua, tập đoàn đã huy động công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam. Đồng thời, họ ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa cho đến khi có quy định cụ thể.
"Đối với phần đủ quy định pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt", đại diện EVN khẳng định.
Theo đại diện này, EVN cũng đang "tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Trung Nam". Do đó, theo EVN, khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực, họ chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán là đúng.
"EVN là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật, không thể tự quyết định", đại diện EVN phản hồi.
Với trạm biến áp và đường dây 500 kV, đại diện này cho biết hiện vẫn thuộc quyền sở hữu tài sản của Trung Nam. Trước đây, Trung Nam đã có đề xuất bàn giao 0 đồng cho EVN song vẫn còn vướng về thủ tục pháp lý và đang trong quá trình triển khai theo hướng dẫn.
Cụ thể, trạm biến áp 500 kV này chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nghiệm thu công trình. Còn về việc tiếp nhận, trong tháng 4, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành để thực hiện, theo Nghị định 02/2024 về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN.
Theo EVN, Trung Nam có quyền thu phí truyền tải của đối tác để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng. "Khi tài sản thuộc Trung Nam quản lý vận hành thì đơn vị phải chịu trách nhiệm, EVN không thể can thiệp", đại diện này nói, thêm rằng Trung Nam cần hoàn thiện các phần việc của mình theo đúng pháp luật trước khi "kêu cứu" Thủ tướng.
Phương Dung