Đây là sự kiện khép lại Năm Đức ở Việt Nam 2010 và kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Buổi tổng duyệt vở diễn ra tối 13/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
“Người đi qua thung lũng” là câu chuyện về chàng trai Parzival rời khỏi vòng tay của mẹ để khám phá thế giới, lấy cảm hứng từ một câu chuyện thần thoại châu Âu thời Trung Cổ. Hơn 100 diễn viên, ca sĩ, vũ công của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đảm nhận các vai diễn trong vở kịch.
Trung Hiếu (phía trước) trong vai phù thủy Merlin, người luôn diện trang phục đỏ và có mái tóc đỏ. |
Trung Hiếu vào vai phù thủy Merlin, người theo chân nhân vật chính Parzival trên những cuộc hành trình, đây là một nhân vật ma quái, vừa thần thánh vừa ma quỷ, là người dẫn truyện kiêm thằng hề. Merlin có tài biến hóa khôn lường, lúc là một con chim lửa, lúc là tảng đá, lại có thể hóa thành 3 người cùng một lúc.
Vai chính Parzival do diễn viên Bùi Như Lai đảm nhận. Bùi Như Lai vừa tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Hiện anh làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ với vai trò diễn viên, biên đạo và đạo diễn.
Diễn viên Bùi Như Lai, người quàng khăn trên đầu, vào vai chính Parzival. |
Theo nữ đạo diễn Beverly Blankenship, “Người đi qua thung lũng” là một tác phẩm sử dụng nhiều loại hình nghệ thuật. “Nội dung được thể hiện qua sự hợp nhất và tương tác nhạc - vũ - kịch tài tình giữa diễn viên, ca sĩ và vũ công trên nền nhạc giao hưởng”.
Cùng một lúc trên sân khấu, khán giả được thưởng lãm diễn xuất của nhiều nghệ sĩ cho một nhân vật. Ví dụ như có thể thấy một Merlin nói (Trung Hiếu), một Merlin múa (Đặng Minh Hiền) và một Merlin hát (Vũ Mạnh Dũng). Hay một Parzival nói (Bùi Như Lai) diễn xuất bên cạnh một Parzival múa (Phạm Trí Thanh).
Về các nghệ sĩ Việt Nam góp mặt trong vở diễn, Blankenship đánh giá: “Các đồng nghiệp Việt Nam hiểu rõ rằng vai trò của họ lớn đến mức nào. Đặc biệt là hai diễn viên Bùi Như Lai và Nguyễn Trung Hiếu, người thể hiện vai Parzival và Merlin, đã có đóng góp rất lớn”. Nữ đạo diễn khen ngợi các nghệ sĩ Việt Nam có cách làm việc “dồi dào và đầy cảm hứng”.
Các nhân vật chiến binh mặc áo giáp mỏng manh trong điều kiện thời tiết giá lạnh ở Hà Nội. Theo nhà thiết kế sân khấu và phục trang Andreas Lungenschmid (người Áo), trang phục giúp nghệ sĩ thể hiện thân thể của mình và kể rõ câu chuyện. |
Bà Blankenship cho biết, tác phẩm còn đặc biệt trong cách thể hiện ngôn ngữ. Trong khi ca từ được thể hiện bằng tiếng Đức thì lời thoại lại bằng tiếng Việt, ngoài ra còn có phụ đề. Sự kết hợp có vẻ phức tạp nhưng lại chính là thể nghiệm của tác phẩm, kể cả đối với diễn viên cũng như khán giả.
Huyền thoại mang đậm nét châu Âu này được nhóm sản xuất đa quốc gia và các diễn viên Việt Nam thể hiện mới lạ với kỳ vọng chiếm được trái tim của khán giả.
“Người đi qua thung lũng” công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 14 đến 16/1.
|
Hòa Ca