Vào ngày 2/3/2017, một con cá voi vây khổng lồ bất ngờ mắc cạn tại vùng nước giao nhau giữa cửa sông Trường Giang và vịnh Hàng Châu. Với chiều dài lên tới 24 m, nó trở thành mẫu vật cá voi vây lớn nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc.
Xác của con vật sau đó được giao cho Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, nơi nó được giải phẫu, xử lý thành tiêu bản và cuối cùng lưu trữ trong kho mẫu vật.
Sau hơn 4 năm, bộ xương còn sót lại của cá voi đã được lắp ghép hoàn chỉnh và lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Thượng Hải vào hôm 9/12, tiếp tục sự tồn tại của sinh vật dưới một hình thức khác.
Cá voi vây còn được gọi là cá voi lưng xám (Balaenoptera physalus) thuộc phân bộ cá voi tấm sừng hàm, có nghĩa là chúng sở hữu các tấm sừng ở hàm để lọc thức ăn thay vì dùng răng. Loài này chủ yếu ăn cá nhỏ, mực và động vật giáp xác. Con trưởng thành có thể tiêu thụ tới hai tấn thức ăn mỗi ngày.
Cá voi vây hiện là loài động vật lớn thứ hai còn tồn tại trên Trái Đất, sau cá voi xanh. Cá thể lớn nhất từng biết đến dài tới 25,9 m và nặng gần 74 tấn. Chúng được tìm thấy ở tất cả các đại dương lớn trên thế giới, từ vùng cực đến vùng biển nhiệt đới, nhưng số lượng đã giảm mạnh trong những thập kỷ qua do săn bắn quá mức.
Đoàn Dương (Theo ECNS)