Một nhóm chuyên gia của Đại học Đông Bắc tại Nga cùng các đồng nghiệp từ Viện Nghiên cứu Kỹ thuật sinh học Hàn Quốc phát hiện xác một con voi ma mút cái chưa trưởng thành trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu thuộc quần đảo New Siberian thuộc Nga. Động vật đã ăn nửa thân trên của nó, song nửa thân dưới vẫn nằm trong băng nên các nhà khoa học có thể lấy máu, mô mềm và các tuyến trong cơ thể voi.
Yuka, tên của con voi ma mút có niên đại 39.000 năm, đang được trưng bày trước công chúng tại thành phố Yokohama, Nhật Bản sau khi người ta vận chuyển chúng từ vùng Siberia, New York Daily News đưa tin. Khách tham quan có thể chiêm ngưỡng bộ lông màu nâu vàng và các mô mềm trên xác, đồng thời tưởng tượng cảnh nó tung hoành trên các sông băng từ hàng nghìn năm trước.
"Chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi phát hiện máu và mô cơ của voi ma mút. Đây là lần đầu tiên chúng tôi thử lấy máu của chúng. Từ trước tới nay chưa ai từng thấy máu voi ma mút chảy thế nào", Semyon Grigoriev, giám đốc Bảo tàng Voi ma mút thuộc Đại học Đông Bắc tại Nga, từng phát biểu hồi tháng 6.
Grigoriev hy vọng ông và các đồng nghiệp sẽ thấy ít nhất một tế bào của con voi vẫn sống. Nếu hy vọng đó trở thành hiện thực, nhóm nghiên cứu có thể hồi sinh voi ma mút bằng kỹ thuật nhân bản.
"Nhưng trong điều kiện khắc nghiệt ở tầng đất đóng băng vĩnh cửu, khả năng đó rất nhỏ", ông thừa nhận.
Giới khoa học tin rằng voi ma mút tuyệt chủng từ hơn 10.000 năm trước, song một số con voi vẫn sống tới tận năm 1.650 trước Công nguyên.
Năm ngoái Đại học Đông Bắc của Nga đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu Kỹ thuật sinh học Hàn Quốc để nhân bản voi ma mút từ những di thể voi ma mút tại Nga.
Minh Long