"Tôi đề cử Tổng thống Mỹ và các chính phủ Kosovo, Serbia cho Giải Nobel Hòa bình vì những hoạt động chung của họ về hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Nhà Trắng", nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson đăng Twitter hôm 11/9, kèm theo ảnh chụp thư đề cử.
"Thương mại và trao đổi thông tin là những viên gạch quan trọng xây nên hòa bình", nghị sĩ Thụy Điển cho biết thêm trong bài đăng.
Thông báo này đánh dấu đề cử Nobel Hòa bình năm 2021 thứ hai cho Trump chỉ trong một tuần, sau khi nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde hôm 9/9 đề cử Tổng thống Mỹ vì vai trò trung gian trong thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Thủ tướng Kosovo Avdullah Hoti cho biết trên Facebook và Twitter rằng ông "vô cùng biết ơn" về sự đề cử này.
Chính quyền Trump dẫn đầu cuộc đàm phán giữa các lãnh đạo Serbia và Kosovo, dẫn đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ kinh tế được hai quốc gia Balkan thống nhất trong một cuộc họp tại Nhà Trắng tuần trước. Trump ca ngợi diễn tiến trong lễ ký kết tại Phòng Bầu dục, nói rằng chính quyền đã "đạt thêm tiến bộ trong hòa bình Trung Đông".
Trump trước đó cho biết ông cảm thấy "vinh dự lớn" khi được đề cử Nobel Hòa bình và đó cũng là "điều tuyệt vời nhất" cho nước Mỹ. Tổng thống Mỹ khẳng định thỏa thuận hòa bình Israel - UAE chỉ là bước khởi đầu cho nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm giải quyết các cuộc xung đột kéo dài trên toàn thế giới.
Trump hôm qua thông báo Israel và Bahrain đã thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu thỏa thuận hòa bình thứ hai ở Trung Đông chỉ trong 30 ngày, và gọi đó là "ngày lịch sử". Những thành công ngoại giao này được xem là động lực cần thiết cho Trump trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 11.
318 cá nhân và tổ chức đã được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2020. Danh sách người được đề cử và người đề cử không được tiết lộ cho đến 50 năm sau đó.
Tuy nhiên, việc được đề cử không đảm bảo cho Trump giành được giải. Giải Nobel Hòa bình năm 2021 sẽ được công bố vào cuối năm sau.
Huyền Lê (Theo Hill, AFP)