Trong nhiều năm, các thỏa thuận thương mại của Mỹ đều nhằm gỡ bỏ rào cản kinh tế giữa các nước, bằng cách gỡ bỏ thuế nhập khẩu và các trở ngại khác với thương mại xuyên biên giới. Tuy nhiên, các thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump lại ngược lại.
Theo thông báo, thỏa thuận thương mại mới của Trump với Trung Quốc nhằm gỡ bỏ bức tường rào mà Bắc Kinh dựng lên với các công ty ngoại. Trung Quốc sẽ phải mở cửa thị trường tài chính, tăng nhập khẩu nông sản Mỹ và bảo hộ sở hữu trí tuệ tốt hơn.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ thuế nhập khẩu với hơn 360 tỷ USD hàng Trung Quốc và Bắc Kinh cũng sẽ phải mua thêm khoảng 200 tỷ USD hàng Mỹ trong 2 năm tới. Giới chuyên gia cho rằng đây là sự thay đổi rất lớn trong chính sách thương mại, từ khuyến khích thị trường tự do chuyển thành quay về thời kỳ thương mại có kiểm soát trước đây.
Tương tự, thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ sửa đổi cũng có các điều khoản mở cửa ngành sữa, dịch vụ số và nhiều ngành khác. Tuy nhiên, thay đổi đáng kể nhất là thắt chặt quy định với hoạt động sản xuất ôtô Bắc Mỹ, nhằm tăng sản xuất tại khu vực này. Đây là động thái nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng sẽ gây sức ép lên thương mại.
Những thỏa thuận này là sản phẩm từ chiến lược thương mại của Trump - tận dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ để gây sức ép buộc các nước khác tăng mua sản phẩm nước mình. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông là rà soát lại các chuỗi cung ứng và hiệp định thương mại tự do mà ông nghi ngờ, tìm cách buộc các công ty đa quốc gia chuyển sản xuất về Mỹ, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Mỹ và giảm thâm hụt thương mại.
Chính quyền Trump cũng không mấy tin tưởng vào các tổ chức đa phương đang nỗ lực kéo cao tăng trưởng toàn cầu bằng cách thúc đẩy thương mại tự do. Tuần trước, chính phủ Mỹ còn làm suy yếu năng lực giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng chiến dịch chống lại một cơ quan quan trọng của tổ chức này.
Hôm thứ hai, trong một cuộc họp với các thống đốc bang tại Nhà Trắng, Trump đã ca ngợi chiến lược này của mình. Ông nói rằng các quy tắc thương mại cũ khiến nhiều nhà máy và của cải chảy khỏi Mỹ. "Họ đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân. Rồi họ chuyển tới Mexico hoặc nơi nào đó, có cả Trung Quốc. Ai đó sẽ thấy vui vẻ. Nhưng tôi thì không", ông nói.
Ông khen ngợi thỏa thuận với Trung Quốc vì sẽ xuất khẩu được nhiều hàng Mỹ hơn. Ông cũng tuyên bố NAFTA sửa đổi sẽ tạo ra rào cản mạnh hơn, nhằm ngăn các công ty rời Mỹ.
Doug Irwin - một nhà sử học thương mại tại Đại học Dartmouth cho rằng các thỏa thuận này đi ngược lại so với những người tiền nhiệm của Trump, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Họ đều hướng tới hạ thấp thuế nhập khẩu và gây dựng một hệ thống dựa trên thương mại tự do nhiều hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox hôm qua (17/12), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer thừa nhận các thỏa thuận này có thể không làm hài lòng những người ủng hộ thị trường tự do. "Tôi hiểu rằng nhiều người tin tưởng vào việc bảo vệ nhà đầu tư và thuyết thị trường hiệu quả", ông nói, "Họ sẽ không mấy vui vẻ khi chúng tôi khiến việc hoạt động tại nơi khác đắt đỏ hơn, còn quay về Mỹ lại rẻ hơn. Mục tiêu của Tổng thống là giúp các công nhân và nông dân Mỹ. Đạt được hiệu suất trên toàn cầu là một mục tiêu tốt. Nhưng ông ấy luôn nói rằng mình là Tổng thống Mỹ, không phải Tổng thống của cả thế giới".
Rất nhiều nhà kinh tế học và chuyên gia thương mại cho rằng cách tiếp cận này có thể phản tác dụng với Mỹ. Do nó làm suy yếu hệ thống thương mại quốc tế, tăng chi phí sản xuất, kéo theo giảm năng suất lao động và tăng trưởng toàn cầu.
Trong báo cáo công bố hôm qua, Mary E. Lovely và Jeffrey J. Schott - hai nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson dự báo các điều khoản trong hiệp định thương mại Bắc Mỹ mới sẽ làm hại các ngành công nghiệp Mỹ, khi đẩy cao chi phí sản xuất ôtô và gây sức ép lên tăng trưởng.
Cùng ngày, các nhà phân tích tại Fitch Ratings cho rằng thỏa thuận với Trung Quốc khiến họ tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu, nhưng không có nhiều tác dụng trong việc giảm rào cản thương mại. Thỏa thuận sơ bộ khiến thuế nhập khẩu trung bình áp lên hàng Trung Quốc về 16%, thay vì 25% như Trump từng đe dọa. Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn đáng kể so với 3% trước chiến tranh thương mại.
Bên cạnh đó, từ nhiều thập kỷ nay, giới chức Mỹ vẫn thúc giục chính phủ Trung Quốc giảm vai trò trong nền kinh tế. Washington chỉ trích Bắc Kinh về việc sử dụng các chính sách ưu đãi, trợ cấp để doanh nghiệp trong nước có lợi thế hơn.
Tuy nhiên, thỏa thuận với Trung Quốc công bố cuối tuần trước dường như không cho thấy tiến triển nào trong các vấn đề này. Thay vào đó, cam kết mua hàng của Trung Quốc có thể có lợi cho doanh nghiệp Mỹ, nhưng sẽ càng khiến chính phủ Trung Quốc tăng kiểm soát nền kinh tế.
Một phần lượng hàng cam kết sẽ được mua một cách tự nhiên, khi Trung Quốc giảm thuế với hàng Mỹ. Nhưng các mặt hàng khác, trong đó có nông sản, năng lượng, hàng không, sẽ được thực hiện bởi các thực thể do chính phủ Trung Quốc kiểm soát.
Những người chỉ trích cho rằng cách tiếp cận này sẽ chỉ khiến chính phủ Trung Quốc siết kiểm soát với một số thị trường. Một số hãng sản xuất nông sản đã bày tỏ lo ngại mục tiêu đặt ra trong thỏa thuận thương mại có thể khiến khả năng đàm phán của họ với khách Trung Quốc giảm sút.
Nicholas R. Lardy - chuyên gia Trung Quốc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng điều khoản mua hàng "có thể đi ngược lại mục tiêu của Mỹ" trong việc khuyến khích Trung Quốc áp dụng hệ thống thị trường. Lighthizer và những người ủng hộ Trump thì cho rằng các mục tiêu này là cách hiệu quả khi đàm phán với quốc gia không tuân thủ quy tắc thị trường như Trung Quốc.
Clyde Prestowitz - Chủ tịch Viện chiến lược Kinh tế cũng khẳng định cam kết mua hàng "đi ngược lại các mô hình thương mại tự do". Dù vậy, ông cho rằng đây cũng là "bộ đệm giữa các thị trường thực sự mở cửa, cạnh tranh tự do với các thị trường do chính phủ kiểm soát một phần hoặc hoàn toàn".
Hà Thu (theo NYT)