Theo những tài liệu và nguồn tin mà Reuters mới tiếp cận được, hồi đầu tháng 11, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên kế hoạch đưa thêm bốn công ty Trung Quốc vào diện thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc, nâng số công ty thuộc diện này lên 35. Trong danh sách này có SMIC và CNOOC.
SMIC và CNOOC là những công ty hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn và khai thác dầu khí. CNOOC tham gia vào nhiều dự án khai thác dầu khí tại Mỹ với sản lượng 76.000 thùng/ngày. Trong khi đó, SMIC đại diện cho tham vọng phát triển nền công nghiệp sản xuất chip bán dẫn hàng đầu thế giới của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/11 cũng công bố sắc lệnh hành pháp ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ mua thiết bị an ninh từ các công ty Trung Quốc bị liệt vào "danh sách đen" bắt đầu vào cuối năm 2021.
SMIC cho biết hãng "sẽ tiếp tục hợp tác một cách cởi mở và xây dựng với chính phủ Mỹ" và các sản phẩm và dịch vụ của hãng hoàn toàn chỉ phục vụ mục đích dân sự và thương mại. "Hãng không có quan hệ với quân đội Trung Quốc và không sản xuất cho bất kỳ người nào sử dụng mang mục đích quân sự".
SMIC từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Washington. Hồi tháng 9, Bộ Thương mại Mỹ thông báo tới một số doanh nghiệp rằng họ sẽ cần phải xin giấy phép mới được phép cung cấp hang hóa và dịch vụ cho SMIC. Bộ Thương mại Mỹ cảnh báo có "một nguy cơ không thể chấp nhận được" rằng các thiết bị được cung cấp có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.
Động thái trên cùng những chính sách tương tự được cho là nhằm củng cố di sản của Tổng thống sắp từ nhiệm Donald Trump trong việc cần phải cứng rắn hơn với Trung Quốc, buộc Tổng thống đắc cử Biden cũng phải có quan điểm tương tự.
Tuần trước, Reuters đưa tin, chính quyền Trump đang tiến gần đến việc công bố 89 công ty Trung Quốc có mối liên hệ với quân đội nước này và sẽ hạn chế những công ty này mua một số công nghệ và hàng hóa Mỹ.
Một bộ luật năm 1999 quy định Lầu Năm Góc phải đưa ra danh sách các công ty "thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát" bởi quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ mới chỉ thực hiện điều này vào năm 2020. Các "gã khổng lồ" của Trung Quốc như Hikvision, China Telecom và China Mobile chưa bị đưa vào danh sách này trong năm 2020.
Trong tháng 11, Nhà Trắng cũng công bố một sắc lệnh hành pháp siết chặt hơn nữa "danh sách đen" nói trên bằng việc cấm các nhà đầu tư Mỹ mua thiết bị an ninh từ các công ty bị liệt vào danh sách đen kể từ tháng 11/2021.
Theo các chuyên gia, sắc lệnh này nhiều khả năng sẽ không gây tác động nghiêm trọng cho các doanh nghiệp bởi quy mô hạn chế cũng như hiện vẫn chưa rõ quan điểm của chính quyền Biden trong vấn đề này.
Dù vậy, cùng với các biện pháp khác, sắc lệnh đang tiếp tục gây rạn nứt sâu sắc giữa Washington và Bắc Kinh, vốn bất đồng về cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh Covid-19 và biểu tình ở Hong Kong.
Quốc hội và chính phủ Mỹ cũng đang tìm cách ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ nếu họ không tuân thủ quy định mà các công ty Mỹ đang phải chấp nhận dù điều này có thể gây tổn hại đến thị trường phố Wall.
Khánh An (Theo Reuters)