"Chúng tôi kêu gọi chấm dứt ngay các hành vi thù địch giữa các lực lượng quân sự liên quan", Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố chung do Điện Elysee công bố hôm nay, đề cập đến giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorny-Karabakh.
"Chúng tôi cũng kêu gọi các lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan cam kết nối lại các cuộc đàm phán thực chất không chậm trễ", tuyên bố chung có đoạn.
Mỹ, Nga, Pháp là các nước đồng chủ tịch nhóm Minsk thuộc Tổ chức Hợp tác và An ninh (OSCE), bên trung gian chịu trách nhiệm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh kể từ những năm 1990.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia quanh khu vực ly khai Nagorno-Karabakh đã bước sang ngày thứ tư, hai nước đều tuyên bố gây ra thiệt hại nặng nề cho đối phương. Armenia ghi nhận 104 binh sĩ và 23 dân thường thiệt mạng, Azerbaijan chưa công bố chi tiết thương vong.
Trước đó, Putin đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Nagorno-Karabakh với Hội đồng An ninh Nga. Lãnh đạo Nga - Pháp cũng đã thảo luận về cách thức nhóm Minsk có thể giúp chấm dứt giao tranh giữa hai quốc gia láng giềng vùng Caucasus.
Armenia và Azerbaijan liên tục phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn của quốc tế, làm dấy lên lo ngại xung đột có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện và khiến các cường quốc trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga can thiệp.
Nagorno-Karabakh là một tỉnh của Azerbaijan, song phần lớn dân địa phương là người Armenia, vốn chiếm thiểu số và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia. Phần lớn diện tích vùng Nagorno-Karabakh hiện do lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát.
Tranh chấp quyền kiểm soát vùng Nagorno-Karabakh bùng phát thành cuộc chiến 6 năm giữa Azerbaijan và Armenia từ tháng 2/1988 tới tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra lẻ tẻ tại đây.
Phát biểu trên truyền hình hôm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh chỉ có thể thực hiện được nếu lực lượng Armenia rút khỏi khu vực ly khai và phần còn lại của Azerbaijan.
"Cách thức ngừng bắn lâu dài ở khu vực này phụ thuộc vào việc người Armenia rút khỏi mọi vùng lãnh thổ Azerbajan", Erdogan nói. Thổ Nhĩ Kỳ trước đó tuyên bố sẵn sàng tham chiến cùng Azerbajani.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)