"Các bạn có thể thấy rằng Kim Jong-un là một người không hay cười, nhưng khi gặp tôi, ông ấy đã cười tươi. Ông ấy rất vui", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/7 kể với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng về cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên tại biên giới liên Triều hôm 30/6. "Đó là điều tốt, không phải điều xấu".
Tổng thống Mỹ cũng cho rằng mối quan hệ Mỹ - Triều dưới thời của ông đã được cải thiện đáng kể so với thời người tiền nhiệm Barack Obama. "Các bạn cũng thấy những gì Kim Jong-un làm trước đây, dưới thời Obama, là thử vũ khí hạt nhân và thổi bay những ngọn núi. Nhưng giờ đây, khi tôi nhậm chức, ông ấy không còn làm điều đó", Trump nói.
Trump ngày 30/6 có cuộc gặp được đề xuất trên Twitter trước đó chỉ một ngày với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Khu Phi quân sự (DMZ). Khi bắt tay tại gờ bê tông phân định biên giới Hàn - Triều, Kim Jong-un đã mỉm cười và nói "Thật tốt khi gặp lại ngài. Tôi chưa từng nghĩ sẽ gặp ngài ở nơi này". "Khoảnh khắc lớn, khoảnh khắc lớn", Trump đáp.
Trump sau đó bước qua gờ bê tông, trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên. Ông tiến 20 bước vào đất Triều Tiên, tiếp tục bắt tay, chụp ảnh cùng Kim Jong-un trước khi mời ông này quay về phía Hàn Quốc để hội đàm.
Sau cuộc hội đàm 40 phút, hai lãnh đạo nhất trí sẽ nối lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ từ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.
Cả Trump lẫn Kim Jong-un đều đánh giá cuộc gặp có ý nghĩa lớn, thậm chí mang giá trị lịch sử và góp phần khai thông những bế tắc trong quan hệ song phương. "Chưa bao giờ lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên gặp nhau ở giới tuyến tua tủa dây thép gai, nơi các lực lượng được vũ trang hạng nặng đối mặt nhau suốt 66 năm qua kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt", tờ New York Times bình luận.
Một số chuyên gia cho rằng mối quan hệ Mỹ - Triều giờ đây gần như phụ thuộc vào quan hệ cá nhân Trump - Kim. Nếu "tình bạn" này giúp xóa bỏ "bóng ma chiến tranh" và đưa Washington và Bình Nhưỡng vào lộ trình dài hạn hơn để tiến đến mục tiêu xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, đây sẽ là một viễn cảnh đáng mong chờ. "Bước đi tạm thời này là điều hữu ích ở thời điểm hiện tại", Joseph Yun, cựu đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nói.
Mai Lâm (Theo News Week)