"Người biểu tình tại Buffalo bị cảnh sát đẩy ngã có thể là một kẻ kích động thuộc nhóm Antifa", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 9/6, đề cập tới nhóm chống phát xít gồm các nhà hoạt động cực đoan bị Washington chỉ trích là khủng bố.
"Người đàn ông 75 tuổi tên Martin Gugino bị đẩy sau khi ông ta dường như đang tìm cách vô hiệu hóa thiết bị liên lạc của cảnh sát. Theo quan sát của tôi, ông ta ngã mạnh hơn so với lực đẩy. Có khả năng đây là một vụ dàn dựng hay không?", Tổng thống Mỹ nêu giả thuyết.
Trump không đưa ra bằng chứng nào ngoài bản tin của kênh truyền hình cánh hữu One America News Network, nhưng họ cũng không có bằng chứng.
Robert McCabe và Aaron Torgalski, hai cảnh sát tại thành phố Buffalo, bang New York, bị buộc tội hành hung cấp độ hai sau sự cố với Gugino, nhưng không nhận tội danh. Video quay lại sự việc cho thấy Torgalski đã đẩy Gugino, khiến ông ngã đập đầu xuống đường và chảy máu.
Bài đăng của Trump xuất hiện chỉ vài giờ trước lễ tang tại Houston của George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì đầu gối lên gáy dẫn đến tử vong ở Minneapolis hôm 25/5. Cái chết của Floyd làm dấy lên làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc và sự bạo lực của cảnh sát trên khắp nước Mỹ, lan sang nhiều quốc gia khác.
Thống đốc New York Andrew Cuomo bày tỏ sự tức giận trước giả thuyết về sự cố tại Buffalo của Trump và kêu gọi Tổng thống xin lỗi. "Trump cáo buộc người đàn ông đó liên quan tới Antifa, nhưng không có bằng chứng gì. Giữa lúc nỗi đau và sự giận dữ bao trùm thì ông ấy làm gì vậy? Đổ dầu vào lửa. Ông ấy nên xin lỗi vì dòng tweet đó", Cuomo cho hay.
Gugino, nhà hoạt động nổi tiếng trong cộng đồng, bị thương nặng nhưng đang nằm viện trong tình trạng ổn định. Sự cố với ông khiến cảnh sát bị lên án mạnh mẽ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, công đoàn cảnh sát Buffalo bênh vực hành động của McCabe và Torgalski, cho rằng họ chỉ đang thực hiện mệnh lệnh giải tán khu vực để chuẩn bị áp đặt lệnh giới nghiêm.
Ánh Ngọc (Theo Reuters)