"Tôi ký dự luật này vì sự tôn trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và người dân Hong Kong", Trump ra tuyên bố ngày 27/11. "Chúng được ban hành với hy vọng rằng các lãnh đạo và đại diện của Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong có thể giải quyết một cách thân thiện sự khác biệt của họ, dẫn đến hòa bình và thịnh vượng lâu dài cho tất cả mọi người".
Trump tại buổi mít tinh ở Florida ngày 26/11. Ảnh: Reuters. |
Theo đạo luật, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới.
Đạo luật cho phép Mỹ phong tỏa tài sản và cấm vận các quan chức bị coi là vi phạm nhân quyền ở Hong Kong. Chính quyền Mỹ còn tiến hành đánh giá thường niên để xem xét liệu Hong Kong có thực thi đầy đủ các quy định xuất khẩu cùng các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên Hợp Quốc hay không.
Đạo luật cũng có khả năng khiến Hong Kong bị hủy trạng thái đặc biệt, vốn giúp đặc khu mua các công nghệ nhạy cảm, đồng thời đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng dollar Mỹ và dollar Hong Kong cũng như cho phép thành phố đàm phán các thỏa thuận thương mại và đầu tư độc lập với Bắc Kinh. Trạng thái đặc biệt còn giúp cư dân Hong Kong tránh các hạn chế về thị thực áp dụng cho công dân Trung Quốc đại lục.
Nó cũng có thể khiến các quan chức chính quyền, cảnh sát Hong Kong phải cân nhắc kỹ hơn mỗi khi có các hành động chống lại người biểu tình, bởi họ có thể bị cấm đặt chân lên đất Mỹ, mua tài sản hay mở một tài khoản ngân hàng ở Mỹ, theo luật sư Jason Y. Ng.
Tuy nhiên, Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hong Kong cho rằng đạo luật cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến "những hậu quả khó lường và phản tác dụng" đối với các lợi ích kinh tế Mỹ tại khu vực.
Mỹ hiện có 1.344 công ty tại Hong Kong và khoảng 85.000 công dẫn Mỹ đang sinh sống tại đặc khu. Hong Kong cũng là đối tác đem lại thặng dư thương mại song phương lớn nhất của Mỹ trên thế giới, với 33 tỷ USD trong năm 2018. Nếu hủy trạng thái đặc biệt của Hong Kong, Mỹ có thể đánh mất lợi ích từ hoạt động thương mại, đầu tư này.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng có khả năng chịu tác động mạnh mẽ nếu Hong Kong đánh mất trạng thái thương mại đặc biệt, bởi Hong Kong sở hữu một thị trường thương mại tự do, góp phần quan trọng giúp kết nối các doanh nghiệp nước ngoài với thị trường Trung Quốc.
Thượng viện và Hạ viện Mỹ lần lượt thông qua dự luật vào ngày 19 và 20/11. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/11 và 25/11 triệu quyền đại sứ Mỹ William Klein để trao công hàm "phản đối mạnh mẽ" động thái của Mỹ.
Biểu tình Hong Kong bùng phát từ tháng 6, ban đầu để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa tội phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục. Sau khi chính quyền đặc khu tuyên bố rút dự luật, người biểu tình vẫn xuống đường đưa ra các yêu cầu khác, trong đó có điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam từ chức.
Quốc hội Mỹ phê duyệt dự luật trong bối cảnh bạo lực leo thang khi hàng nghìn người tập trung trong Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU) từ hôm 17/11 để đối đầu với cảnh sát. Sau vài ngày cố thủ, phần lớn người biểu tình đã rời PolyU, trong đó khoảng 1.100 người đã bị bắt.
Xem thêm: Dự luật Hong Kong của Mỹ gây ảnh hưởng gì?
Phương Vũ (Theo Reuters)