"Quan điểm của người được gọi là thẩm phán kia, thứ về cơ bản tước đi khả năng thực thi pháp luật khỏi đất nước, thật lố bịch và sẽ bị thay đổi", CNN dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
"Khi một quốc gia không thể quyết định việc ai được phép, ai không được phép vào và ra khỏi đất nước, đặc biệt vì lý do an toàn và an ninh - rắc rối lớn", Tổng thống Mỹ tiếp tục thể hiện sự giận dữ bằng một dòng tweet khác.
Ông Trump hôm 27/1 ra sắc lệnh di trú, hạn chế người nhập cư và người tị nạn Hồi giáo. Sắc lệnh cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo lớn vào Mỹ trong 90 ngày và cấm người tị nạn, bao gồm phụ nữ và trẻ em, vào nước này trong 120 ngày, kể cả những người có thị thực còn thời hạn và được tị nạn hợp pháp.
Biểu tình tại sân bay Mỹ sau khi Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh
Thẩm phán Seattle James Robart ngày 3/2 ra phán quyết ủng hộ đơn kiện từ ông Bob Ferguson, Tổng chưởng lý Washington, trong đó đề nghị bác bỏ các điều khoản chính trong sắc lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngay sau đó làm việc với Cơ quan An ninh Nội địa (DHS) và các nhóm pháp lý để xác định xem phán quyết ông Robart đưa ra ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của hai bộ.
Trong tuyên bố đầu tiên, Nhà Trắng miêu tả phán quyết dừng thực hiện lệnh hạn chế nhập cảnh là "thái quá". Tuy nhiên, Nhà Trắng đã bỏ từ này trong tuyên bố thứ hai. Nhà Trắng cũng khẳng định lệnh hạn chế nhập cư của Tổng thống Trump là "hợp pháp và thích đáng".
Quyết định của thẩm phán Robart được đánh giá là bước lùi lớn trong chính sách của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chính quyền của ông vẫn có thể khiếu nại để xóa bỏ phán quyết và đưa sắc lệnh có hiệu lực trở lại.
Vũ Hoàng