"Nancy Pelosi đang tìm kiếm sự đổi chác với Thượng viện. Tại sao chúng ta không xem xét bãi nhiệm bà ta?", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên Twitter hôm 20/12, cáo buộc bà cố tình gây sức ép với Thượng viện Mỹ trong việc tổ chức phiên xét xử các điều khoản bãi nhiệm ông.
Tuyên bố được Trump đưa ra trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Pelosi trì hoãn gửi các điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump lên Thượng viện, cố gắng gây áp lực lên đảng Cộng hòa để xây dựng các quy tắc xét xử mà bà cho là công bằng đối với một phiên tòa dành cho ông chủ Nhà Trắng.
Tại cuộc họp báo sau khi Hạ viện bỏ phiếu thông qua các điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump, bà Pelosi liên tục từ chối cho biết khi nào bà sẽ gửi hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump lên Thượng viện. Pelosi sau đó cho hay bà chỉ làm điều này sau khi Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell đề ra quy định tổ chức phiên xử được các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ chấp thuận.
Động thái này của Pelosi có thể khiến phiên xử tại Thượng viện bị trì hoãn, trái với mong muốn tổ chức phiên tòa "ngay lập tức" của Trump. Pelosi hôm qua mời Trump đọc thông điệp liên bang tại quốc hội vào ngày 4/2, có thể vào thời điểm diễn ra phiên xử.
Đây không phải là lần đầu tiên Trump đòi xem xét bãi nhiệm Pelosi và các thành viên khác của quốc hội Mỹ. Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ quy định thủ tục xem xét bãi nhiệm chỉ áp dụng cho các quan chức nhánh hành pháp, còn nghị sĩ quốc hội chỉ mất ghế sau khi 2/3 thành viên Hạ viện hoặc Thượng viện bỏ phiếu đồng ý.
Ông chủ Nhà Trắng hôm qua nói muốn Thượng viện tổ chức phiên xét xử "ngay lập tức", cáo buộc đảng Dân chủ không có luật sư, không có nhân chứng và đang cố gắng "chỉ đạo" Thượng viện tổ chức xét xử.
Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hôm 19/12 bỏ phiếu thông qua hai điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump, gồm lạm quyền và cản trở quốc hội. Phiên xử sẽ chỉ được tổ chức tại Thượng viện sau khi Hạ viện nộp hai điều khoản này lên.
Thủ tục tiến hành phiên xử sẽ do Thượng viện, nơi đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát, toàn quyền quyết định. Đảng Cộng hòa muốn tổ chức một phiên xử nhanh chóng, ít ồn ào nhất có thể, trong đó nhiều khả năng sẽ không triệu tập nhân chứng. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn triệu tập các nhân chứng cung cấp lời khai tại phiên xử này.
Trump sẽ chỉ bị phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng khả năng Trump bị phế truất là rất thấp vì hầu hết thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đều ủng hộ ông.
Có hai tổng thống Mỹ từng bị xem xét bãi nhiệm trước Trump, gồm Bill Clinton năm 1998 và Andrew Johnson năm 1868, nhưng cả hai người đều không bị Thượng viện phế truất.
Ngọc Ánh (Theo Washington Times)