"Tôi không tin 4 nghị sĩ này có khả năng yêu thương đất nước chúng ta", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter hôm 21/7, đề cập đến nhóm nghị sĩ da màu đảng Dân chủ bị ông công kích nhiều ngày qua. "Họ nên xin lỗi nước Mỹ và Israel vì những phát ngôn thù ghét khủng khiếp".
Bình luận của Trump nhắm vào nhóm "Bộ Tứ" gồm 4 nữ nghị sĩ đảng Dân chủ có nguồn gốc nước ngoài, gồm Alexandria Ocasio-Cortez, Rashida Tlaib, Ilhan Omar và Ayanna Pressley. 4 người này có nguồn gốc từ Tây Ban Nha, Arab, Somali và người Mỹ gốc Phi, nhưng đều là công dân Mỹ, trong đó ba người sinh ra tại Mỹ.
Trump tuần trước gây ra cơn giận dữ vì cho rằng các nữ nghị sĩ da màu này nên "quay về nguyên quán" và cho rằng họ không có tư cách "chỉ trích nước Mỹ". Hạ viện Mỹ hôm 16/7 đã chỉ trích Trump "phân biệt chủng tộc" khi công kích các nữ nghị sĩ.
Trong sự kiện vận động bầu cử của Tổng thống Mỹ vào hôm sau tại Greenville, Bắc Carolina, ông tiếp tục công kích các nữ nghị sĩ. Ông dẫn thông tin sai khi nói rằng Omar từng tuyên bố cô "tự hào" về tổ chức khủng bố al-Qaeda. Ông gọi các nữ nghị sĩ là "những người có tư tưởng cánh tả coi quốc gia chúng ta là thế lực xấu xa".
Hai ngày sau, ông tiếp tục nói sai khi cáo buộc các nữ nghị sĩ đã sử dụng cụm từ "người Do Thái độc ác" và Ocasio-Cortez đã gọi người Mỹ là "rác rưởi".
"Họ đang phá hoại đảng Dân chủ nhưng những kẻ yếu đuối và bấp bênh như vậy sẽ không bao giờ có thể phá hủy được quốc gia vĩ đại của chúng ta", Trump viết trên Twitter hôm 21/7.
Các nhà quan sát cho rằng bài phát biểu của Trump tại Greenville cho thấy ông chưa định tập trung công kích một ứng viên tổng thống nào của đảng Dân chủ và dự kiến biến cuộc tấn công 4 nữ nghị sĩ thành trọng tâm trong chiến lược tái tranh cử năm 2020.
Một số ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kêu gọi Trump giảm sử dụng các từ ngữ mang tính công kích. Ron Johnson, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Wisconsin kiêm chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện, không đồng tình với tuyên bố rằng các nữ nghị sĩ này "không có khả năng yêu nước Mỹ".
"Tôi thấy thật đáng tiếc khi phần lớn các cuộc tranh luận công khai đang mắc kẹt trong vấn đề chủng tộc, trong khi điều tôi muốn thấy là chúng ta tiến tới xã hội không phân biệt màu da", ông nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)