Các nhà phát triển các khu công nghiệp trong khu vực cho biết, rằng các công ty đang dần dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á trước dự đoán Donald Trump sẽ áp dụng mức thuế cao với Bắc Kinh nếu ông tái đắc cử. Động thái trên sẽ được thúc đẩy nhanh chóng, đặc biệt sau khi ứng viên đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Ông Trump từng đe dọa áp đặt mức thuế 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, cao hơn nhiều so với mức 7,5-25% mà ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên, tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đông Nam Á - với các nhà máy sản xuất ôtô và đồ điện tử từ Thái Lan đến Việt Nam và Malaysia - sẽ có khả năng hưởng lợi từ tình thế khó khăn của quốc gia Đông Á, theo hai giám đốc điều hành, hai nhóm doanh nghiệp, một luật sư và một nhà phân tích trong khu vực.
Các nhà phát triển khu công nghiệp đang bổ sung nhân viên biết tiếng Trung và chuẩn bị đất cho các nhà máy. Diễn biến cho thấy cách Trump, người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025, có thể thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khi ông Trump khởi động chiến dịch tái tranh cử đầu năm nay, các cuộc gọi từ khách hàng Trung Quốc đã tràn ngập WHA Group, một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan, CEO Jareeporn Jarukornsakul cho biết.
"Đã có sự di dời đến Đông Nam Á trước đây, nhưng lần này sẽ mạnh mẽ hơn", bà nói, nhắc đến nhiệm kỳ đầu tiên của Trump những năm 2017-2021.
WHA đang mở rộng đội ngũ bán hàng và bổ sung nhân viên biết tiếng Trung vào đội ngũ quản lý bảo trì và quản trị các khu công nghiệp trải dài hơn 12.000 hecta ở Thái Lan và Việt Nam, bà Jareeporn nói thêm.
Trong số 90 nhà máy đã mở cửa trong năm nay tại các khu công nghiệp do Amata Corp của Thái Lan điều hành trên khắp Đông Nam Á, có khoảng 66% là các công ty chuyển cơ sở từ Trung Quốc sang đây, theo Vikrom Kromadit, nhà sáng lập và chủ tịch của Amata.
Theo ông Kromadit, Trump sẽ là "cú đấm lớn" đối với Trung Quốc, có khả năng tăng gấp đôi số lượng công ty muốn di chuyển khỏi quốc gia này để đến các khu công nghiệp rộng 150 km vuông của Amata tại 4 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trong tháng 11, Amata sẽ bắt đầu xây dựng khu công nghiệp tại Lào, nơi đã có tuyến đường sắt Côn Minh - Vientiane dài 1.035 km được khai trương từ tháng 12/2021.
Thái Lan, trung tâm sản xuất ôtô trong khu vực, đã thu hút hơn 1,4 tỷ USD đầu tư từ các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc vào ngành công nghiệp xe điện đang mở rộng nhanh chóng.
Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Pichai Naripthaphan, cho biết: "Chúng tôi muốn có nhiều đầu tư từ Trung Quốc để có thể bán hàng sang Mỹ", thêm rằng: "Người Mỹ yêu mến chúng tôi, người Trung Quốc cũng vậy - chúng tôi không cần phải chọn phe".
Malaysia hy vọng thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư mới vào ngành công nghiệp bán dẫn và có thể hưởng lợi từ việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng, theo lãnh đạo của hai nhóm doanh nghiệp.
Soh Thian Lai, chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia, cho biết: "Sự chuyển dịch này có thể mang lại cơ hội mới cho Malaysia để chiếm lĩnh thị phần lớn hơn trong xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường chủ chốt khác".
Tuy nhiên, rủi ro vẫn tồn tại, đặc biệt là khi có những dấu hiệu cho thấy Trump có thể xem xét áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực, theo Leif Schneider, người đứng đầu công ty luật quốc tế Luther tại Việt Nam.
Bà Jareeporn từ WHA nhận định: "Trump sẽ phải lựa chọn - bạn có thể chống lại Trung Quốc, nhưng bạn cần có một số bạn bè ở Đông Nam Á. Ông ấy là một nhà đàm phán, vì vậy chúng ta sẽ đàm phán".
Mỹ Anh (theo Reuters)