Trong lần cải cách thuế này, đối tượng được cho là sẽ hưởng lợi bao gồm các tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ và tầng lớp trung lưu và một số người giàu có, Bloomberg dẫn lời cố vấn kinh tế trưởng Gary Cohn và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin phát biểu ngày 26/4.
Chính quyền Mỹ dự định cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15% và sẽ chỉ đánh thuế một lần lên doanh thu của các công ty Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài. Ước tính khoản doanh thu này lên tới 2,6 nghìn tỉ đôla.
Điều này đồng nghĩa với việc, thu nhập của các doanh nghiệp Mỹ có được do công việc làm ăn ở nước ngoài sẽ không phải chịu thuế.
Trong bản dự thảo mà chính quyền của ông Trump đưa ra, thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm xuống chỉ còn ba loại thay vì 7 loại như trước kia. Sửa đổi này sẽ giúp giảm mức thuế thu nhập cá nhân từ mức cao nhất 39,6% xuống còn 35%.
Bên cạnh đó, hiện công dân Mỹ đang phải chịu thuế 3,8% trên tổng thu nhập vượt quá 200.000 đôla/năm từ các món đầu tư cá nhân. Và những cá nhân sở hữu bất động sản trị giá hơn 5,49 triệu đôla cũng phải đóng thuế. Nhưng chính quyền của ông Trump hứa sẽ xóa bỏ cả hai loại thuế này.
"Chúng tôi quyết tâm tiến hành càng nhanh càng tốt và sẽ hoàn thành trong năm nay", Bộ trưởng Tài chính Mnuchin nói.
'Có lợi cho người giàu'
Mặc dù kế hoạch được đánh giá là tham vọng và theo lời Bộ trưởng Tài chính là "cải tổ thuế lớn nhất trong lịch sử", nhưng cả các quan chức cấp cao chưa làm rõ được chính quyền sẽ dựa vào nguồn thu nào để bù đắp cho thâm hụt ngân sách do cắt giảm thuế.
Theo ông Mnuchin, chính quyền Mỹ sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng đủ nhanh để giúp hiện thực hóa kế cải cách thuế lần này.
Một điều luật Thượng viện quy định không cho phép bất cứ một dự thảo liên quan đến thuế khóa nào làm gia tăng thâm hụt liên bang trong khoảng thời gian 10 năm. Nếu dự thảo vẫn được thông qua thì có nghĩa là chính quyền Mỹ phải tiến hành thủ tục dung hòa ngân sách.
"Chúng tôi đã tới nghĩ thủ tục dung hòa ngân sách. Đó là cách đi hợp lý nhất để thông qua kế hoạch cải cách này", Bloomberg dẫn lời Chủ tịch Hạ Viện Paul Ryan cho biết.
Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ Chuck Schumer tỏ rõ thái độ phản đối vì ông cho rằng việc cắt giảm thuế có lợi hơn cho người giàu.
"Nếu kế hoạch của Tổng thống làm lợi cho nhóm những người rất giàu ở đất nước này, tức là những cá nhân và doanh nghiệp như ông Trump, thì nó sẽ không có cơ được đảng Dân chủ chấp thuận", ông Schumer phát biểu tại Thượng viện sáng hôm qua.
"Chúng ta không cần một kế hoạch cắt giảm thuế cho người giàu xuống còn 15% trong khi dân thường Mỹ phải đóng thuế cao hơn", ông nhấn mạnh.
Dự thảo cải tổ lần này có nhiều điểm tương đồng với những lời hứa cắt giảm thuế của ông Trump trong chiến dịch tranh cử.
Việc cắt giảm được dự đoán sẽ ngốn 6,2 nghìn tỷ đôla tiền ngân sách của chính phủ trong 10 năm đầu tiên và đến năm 2036, con số này sẽ vượt 20 nghìn tỷ, theo phân tích của Trung tâm Chính sách Thuế.
An Hồng